Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng được cải thiện. Với quan điểm xuyên suốt “Đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Thành quả đó có được là một phần đóng góp của ngành điện trong việc đảm bảo cung cấp điện nhanh chóng, kịp thời, ổn định cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nắng nóng như hiện nay.
Thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống TBA110kV Phú Bình |
Nhằm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch số KH số 132/KH-UBND ngày 25/9/2020. Theo đó, đến năm 2025, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng của tỉnh phải tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Các giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra: Đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ lớn; lắp đặt tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ, ưu tiên sử dụng các thiết bị có dán nhãn năng lượng hiệu suất cao. Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ/đơn vị sản phẩm/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian qua, ngành điện Thái Nguyên đã có nhiều hành động cụ thể như tăng cường công tác tuyên truyền vận động các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh chủ động thay thế các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp bằng thiết bị có hiệu suất cao; tăng cường sản xuất vào các khung giờ thấp điểm; ký cam kết với ngành điện tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất….
Nhằm góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm điện, ngành điện Thái Nguyên đã nỗ lực đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành điện Thái Nguyên đã triển khai 11 dự án cấy thêm 72 trạm biến áp (TBA) phân phối chống quá tải với mức đầu tư trên 152 tỷ đồng và đẩy nhanh tiến độ thi công đóng điện các dự án chống quá tải. Đồng thời, thực hiện hơn 133 phiên rửa sứ hotline và hơn 30 phiên sửa chữa điện hotline trước mùa nắng nóng để hạn chế tình trạng ngừng cắt điện trong các trường hợp đặc biệt hay khi xảy ra sự cố.
Đặc biệt, tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, công tác chống quá tải được ưu tiên triển khai sớm như tại TP. Sông Công, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương… Ông Phạm Văn Nam - Đội phó Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Thái Nguyên - chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đội đã tập trung rà soát toàn bộ lưới điện 110kV tỉnh Thái Nguyên, kịp thời khắc phục thay thế, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định.
Theo ông Đỗ Bá An - Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao áp (Công ty Điện lực Thái Nguyên), để bảo đảm cho lưới điện 110kV vận hành liên tục, từ đầu năm đến nay, đội đã rà soát, cải tạo toàn bộ nguồn điện 1 chiều và xoay chiều tại các TBA; duy trì kiểm tra các thiết bị trên lưới điện theo định kỳ để kịp thời phát hiện, khắc phục những khiếm khuyết, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố điện...
Cùng với các giải pháp tiết kiệm điện, công tác đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đã góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư an toàn, chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên. |