
Thu hồi sản phẩm thải bỏ có chất độc nguy hại
CôngThương - Bớt mệt mỏi với bóng đèn kiểu cũ
Ngày càng nhiều người ý thức được rằng bóng đèn tiết kiệm năng lượng (TKNL) có khả năng tiết kiệm tiền cho các hộ gia đình từ mỗi hóa đơn tiền điện. Quan trọng là các gia đình, các nhà hàng, hệ thống chiếu sáng công cộng đường phố, trường học, bệnh viện cũng đã từ bỏ dần thói quen sử dụng bóng đèn sợi đốt giá rẻ. Ngành công nghiệp sản xuất bóng đèn TKNL trong nước được tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ của trái đất, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. …
Theo khảo sát của Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt qua chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại VN, thực hiện trong 4 năm 2011-2014, về mặt sử dụng, đèn huỳnh quang tuýp được sử dụng phổ biến nhất, do phát sinh nhiệt thấp, ánh sáng dễ chịu, độ chiếu sáng rộng, tuổi thọ cao. Tiếp theo là bóng đèn huỳnh quang compact có hình dáng nhỏ gọn được uốn cong theo dạng chữ U tiết kiệm được khoảng 80% điện năng so với đèn sợi đốt, lại có đui xoắn hoặc đui gài, tiện dụng. Số người sử dụng bóng đèn sợi đốt chiếm một phần tương đối nhỏ, gần 13,5% trong tổng số người khảo sát về sử dụng đèn.
Một số lượng nhỏ những người trả lời khảo sát cũng sử dụng một số đèn chiếu sáng như LED sử dụng nguyên lý đi ốt phát quang, tiết kiệm khoảng 90% so với đèn sợi đốt và 50% điện năng tiêu thụ so với đèn compact, không sử dụng thuỷ ngân và tối thiểu hoá lượng rác thải ra môi trường. Hoặc dùng đèn halogen, một loại đèn nóng sợi đốt thế hệ mới tuổi thọ cao hơn, sáng hơn nhưng tia hồng ngoại và tia cực tím nhiều hơn.
Chống độc
Vấn đề là chất lượng bóng đèn huỳnh quang compact phải được kiểm soát tiêu chuẩn an toàn và tính năng chất lượng đảm bảo. Để giá trị tuổi thọ thực tế không được khác so với giá trị công bố. Muốn vậy cần tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng bóng đèn TKNL,tăng cường cả về số lượng và năng lực các phòng thử nghiệm để tránh gây ách tắc cũng như gây ra những chi phí không đáng có của doanh nghiệp trong việc chờ đợi thử nghiệm.
Thực trạng tái chế và xử lý an toàn bóng đèn huỳnh quang, compact thải bỏ cũng rất đáng quan tâm, bởi cơ chế hoạt động của hai loại đèn này đều sử dụng dòng điện đi qua đèn để kích thích thủy ngân phát ra tia tử ngoại, từ đó kích thích bột huỳnh quang tráng ở thành ống để phát ra ánh sáng.
Một ống đèn kín thì khi bật lên không thể có hơi gì thoát ra ngoài được, kể cả thủy ngân, nên người tiêu dùng không phải băn khoăn việc sử dụng bóng đèn này có thể gây ung thư. Các tia độc hại phát ra coi như không có.
Bóng đèn huỳnh quang, compact chỉ nguy hiểm khi vỡ ra và thủy ngân trong bóng đèn tiếp xúc trực tiếp. Nếu bóng đèn bị vỡ, cần đeo khẩu trang chống độc thu dọn ngay bỏ vào túi nilon, không tiếp xúc trực tiếp với các mảnh vỡ trong bóng đèn. Còn bóng đèn loại này khi thải loại do hư hỏng hết hạn sử dụng thì sao?
Trong khi các loại thiết bị điện tử gia dụng thải bỏ vẫn được người dân coi là một nguồn lợi nhuận hơn là một dạng chất thải, vì chúng vẫn được thu gom với mức giá cao bởi hệ thống thu gom tư nhân, thì có lẽ số bóng đèn này được đưa ra bãi thải.
Giải quyết mối nguy hại lơ lửng
Theo Tổng cục Môi trường, tỷ lệ thu hồi, xử lý lọi bóng đèn thải loại này còn thấp. Tổng cục đã cấp Giấy phép quản lý CTNH cho 106 doanh nghiệp trên toàn quốc nhưng chỉ có 24 doanh nghiệp có trang bị thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải. Việc thu gom chất thải nguy hại liên quan đến bóng đèn huỳnh quang, compact thải chủ yếu tại các cơ sở tư nhân, công suất thiết bị xử lý chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng bóng đèn phát sinh.
Đó là chưa kể công nghệ xử lý bóng đèn thải hiện có của ta chưa thực sự hiện đại. Các công nghệ xử lý bóng đèn đã được cấp phép mới chỉ ở mức độ tiền xử lý chưa thực sự triệt để mà chỉ phân tách thành các chất thải riêng biệt như thuỷ tinh, đầu bịt kim loại, bột huỳnh quang và thuỷ ngân sau khi được hấp phụ hoặc hấp thụ…, để tạo thuận lợi cho các bước xử lý tiếp theo. Hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn môi trường thấp.
Gần đây khi xây dựng Thông tư hướng dẫn Quyết định 50/2013/QĐ/TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm điện tử thải bỏ, có hiệu lực từ 1-1-2015, việc củng cố năng lực trong việc xử lý và xả thải an toàn thủy ngân trong bóng đèn TKNL cũng như tiến hành hoạt động tái chế…tiếp tục là thách thức đặt ra.