Làm giàu từ biển
Thái Bình là một trong 28 tỉnh, thành phố trong cả nước giáp biển, có bờ biển dài 54km, với 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều rộng trên 16.000ha, vùng thềm lục địa của tỉnh rộng trên 1 vạn km2, với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển.
Vùng nuôi trồng thủy sản Thái Bình |
Là một huyện đồng bằng ven biển, Thái Thụy nằm trong vùng kinh tế động lực phía Đông Bắc của tỉnh Thái Bình. Thời gian qua, bà con ngư dân huyện Thái Thụy đã đầu tư các phương tiện hiện đại để đẩy mạnh khai thác xa bờ. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ, khuyến khích ngư dân ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật trong khai thác.
Với 27 km đường bờ biển cùng hàng chục nghìn ha bãi triều. Diện tích rừng ngập mặn năm 2022 ước đạt 2.535,9 ha, Thái Thụy có nhiều tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi và khai thác ngao.
Đến nay, huyện Thái Thụy có 2.700 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; 1.570 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt; 465 phương tiện khai thác thủy sản. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản cả năm đạt từ 95.000 - 100.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản ở địa phương.
Cùng với đó, địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy sản hàng hóa công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết từ khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Với 23 km chiều dài bờ biển, vị trí thuận lợi có quốc lộ 37B và 5 tuyến đường tỉnh dài 49,3 km chạy qua địa bàn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường nuôi bền vững.
Đồng thời, ưu tiên đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản. Huyện hiện có 402 phương tiện hoạt động nghề cá. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 98.661 tấn, trong đó, nuôi trồng đạt 72.616 tấn; sản lượng khai thác đạt 26.045 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 95ha và tăng dần theo từng năm.
Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực hiện mô hình theo hướng bền vững, bảo đảm chất lượng cho sản phẩm thủy sản cũng đang được địa phương này triển khai thực hiện.
Xây dựng hạ tầng, tạo bước ngoặt để phát triển kinh tế
Từ những lợi thế đó, Khu kinh tế Thái Bình được xem là khát vọng bứt phá của địa phương này.
Theo đó, Khu kinh tế Thái Bình đã được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 30.583ha, bao gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải.
Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành động lực phát triển kinh tế |
Việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình là một trong những trọng điểm mang tính bứt phá, bước ngoặt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung khai thác lợi thế tài nguyên biển, phát triển kinh tế hướng ra biển nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, XX.
Khu kinh tế Thái Bình bao gồm các khu chức năng như khu trung tâm điện lực Thái Bình; Khu, cụm công nghiệp; Khu cảng và dịch vụ cảng; Khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; Khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; Khu dân cư, đô thị, dịch vụ; Khu hành chính …
Để thuận lợi cho việc kết nối liên vùng, Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối khu vực ven biển đã được đầu tư, triển khai; tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp ven biển. Trong đó, tỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Sau 6 năm được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, đến nay Khu kinh tế Thái Bình đang dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng và từng bước thu hút được nhiều dự án lớn.
Chỉ trong gần 3 năm qua, tổng vốn đầu tư thu hút vào Khu kinh tế, KCN đạt 50.746 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI đạt 1,52 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước.
Nếu xét riêng về thu hút FDI cấp mới, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 Thái Bình nằm trong tốp 10 cả nước. Trong đó, Khu kinh tế đã thu hút được 3 dự án hạ tầng KCN gồm KCN Liên Hà Thái, KCN Hải Long, KCN VSIP Thái Bình.
Một số dự án thứ cấp có quy mô khá lớn thuộc lĩnh vực điện tử, trang thiết bị y tế có công nghệ tiên tiến như dự án sản xuất kính áp tròng của Công ty Pegavision Corporation, dự án sản xuất chân cắm ram máy tính của Lotes, dự án sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh của Compal, dự án sản xuất thiết bị làm vườn của Greenworks... Hiện tại, còn nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án trong Khu kinh tế như khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, dự án điện khí LNG, điện gió, khu cảng biển, cảng cạn ICD, cảng thủy nội địa.
Đây là những tín hiệu tích cực giúp đưa Thái Bình sớm trở thành trung tâm công nghiệp mới tại khu vực Đồng bằng sông Hồng.