Ngày 22/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn số 04/CĐ-PCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai hàng loạt các biện pháp để chủ động ứng phó với cơn bão số 2.
Theo đó, ngay từ 9h sáng 22/7, Thái Bình đã thực hiện "cấm biển”, nghiêm cấm các phương tiện, tàu thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi cũng như hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền neo đậu vào nơi an toàn để tránh trú bão.
Tỉnh đã tiến hành di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại các vùng bãi thấp cửa sông, ven biển, số ngư dân trên các phương tiện vào nơi an toàn, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên sông, ven biển đảm bảo an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ cùng ngày.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác tiêu thoát nước chủ động ứng phó với bão số 2 tại trạm bơm Lịch Bài (huyện Kiến Xương) (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, ban ngành thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh.
Theo đó, các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu (kể cả các cống đã thả phai dự phòng); tổ chức khơi thông giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung. Triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu tại các tuyến đê cửa sông, đê biển; nếu thấy phát hiện công trình không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2024 tăng cường cho các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, đôn đốc, tham mưu biện pháp phòng, chống bão.
Ngoài ra, các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cũng cần sẵn sàng để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Bản đồ dự báo hướng đi của bão số 2 (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) |
Trước đó, sáng cùng ngày, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Qua kiểm tra, ông Nguyễn Quang Hưng đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 04-CĐ/PCTT hồi 7h ngày 22/7 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; theo dõi sát đê, kè, cống, nếu phát hiện công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình lúc 13h trưa ngày 22/7, từ chiều tối nay vùng biển ngoài khơi hai huyện Thái Thuỵ - Tiền Hải có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 1,5-2,5m, biển động mạnh. Khu vực ven biển cần đề phòng có nước dâng do bão kết hợp với triều cường, mực nước dâng tổng cộng cao từ 4,0 - 4,5m. Trên đất liền, trong đêm nay và ngày mai có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7; từ nay đến ngày 24/7 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa các nơi phổ biến từ 100 - 200mm, trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. |