Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu |
Nên tập trung vào khu kinh tế, kinh tế biển và công nghiệp
Phát biểu đóng góp ý kiến cho tỉnh Thái Bình, hầu hết lãnh đạo các Bộ, ngành đều đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, Bộ trưởng Chủ nhiệm VP Chính phủ - Trần Văn Sơn cho biết, năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng kinh tế Thái Bình vẫn duy trì tăng trưởng và có nhiều điểm sáng, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vốn đầu tư công, công tác quy hoạch, xây dựng nông thôn mới, giảm hộ nghèo.
Đồng tình với ý kiến trên nhưng phân tích sâu hơn về thu ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Võ Thành Hưng cho rằng, thu ngân sách của Thái Bình có bước tiến vượt bậc. Lần đầu tiên Thái Bình gia nhập câu lạc bộ có thu nội địa trên 10.000 tỷ (hiện có 28 tỉnh/thành phố).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu |
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, mặc dù có phát triển song so với vùng đồng bằng Bắc bộ, Thái Bình chưa có sự đột phá vì giao thông gặp khó, xa vùng tam giác kinh tế.
Do vậy, cần lựa chọn hướng đi đúng, lĩnh vực then chốt như định hướng phát triển khu kinh tế, công nghiệp đã được đề xuất từ thời Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên còn làm Bí thư Tỉnh uỷ để tạo sự đột phá hơn.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bùi Huy Đông, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Bình cao cao song cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, quy mô kinh tế nhỏ. Chưa phát huy được lợi thế của 50 km bờ biển; cũng như truyền thống của một địa phương nông nghiệp.
Đặc biệt, môi trường kinh doanh thời gian qua đã có chuyển biến nhưng đang chững lại (Công bố chỉ số PCI mới nhất, Thái Bình xếp hạng 47/63 tỉnh/thành phố). Vì vậy cần quan tâm hơn để thúc đẩy vấn đề năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Huy Đông phát biểu góp ý |
Đánh giá và chia sẻ thêm với vai trò tư lệnh ngành Công Thương và là người đã từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dù quy mô chưa lớn nhưng trong những năm gần đây Thái Bình đã có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp rưỡi bình quân của cả nước.
Thái Bình cũng đã sớm xoay trục phát triển, hướng ra cảng, hướng ra biển, đẩy mạnh kết nối giao thông với các tỉnh ven biển như Hải Phòng; hay để xuất, triển khai phát triển khu kinh tế.
Góp ý để Thái Bình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị địa phương không xin tiền Trung ương mà xin cơ chế, tạo nguồn lực, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển ra biển và trong các khu công nghiệp.
Bộ trưởng đề nghị tỉnh đẩy nhanh công tác Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh phát triển giao thông kết nối với các địa phương và nội tỉnh; ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ rồi mới đến phát triển đô thị. Tiếp tục nghiên cứu hình thành các trung tâm Logictics để thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông sản phẩm hàng hoá.
Đồng thời,phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp gắn với các yếu tố xã hội. Chú ý vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn vốn. Tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống chính trị, tăng cường sự đoàn kết để phát triển.
Đối với các kiến nghị của Thái Bình liên quan đến lĩnh vực của Bộ Công Thương gồm mở rộng khu công nghiệp và phát triển điện gió, điện khí LNG, Bộ trưởng đã cung cấp, làm rõ thêm nhiều thông tin hữu ích để cho lãnh đạo Thái Bình có cơ sở đề ra nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tới.
Buổi làm việc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì |
Ủng hộ các đề xuất về phát triển giao thông, điện gió và lấn biển
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng kết quả thu ngân sách của Thái Bình là rất ấn tượng, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 đã đạt trên 50%.
Thái Bình đã và đang đi đúng hướng trong phát triển kinh tế xã hội. Đó là vấn đề xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng giao thông; định hướng xoay lại trục phát triển hướng ra biển. Đây là những yếu tố tạo động lực mới để Thái Bình phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến kiến nghị của Thái Bình về giao thông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, tỉnh cần tập trung làm nhanh tuyến đường ven biển và tuyến đường đi Cầu Nghìn. Chỉ cần hai tuyến đường này hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho Thái Bình và cùng với việc triển khai tốt khu kinh tế ven biển thì trong vòng 10 năm nữa, Thái Bình sẽ cất cánh vươn xa.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu |
Về cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đây là tuyến đường quan trọng hướng cảng, sẽ làm theo hình thức PPP, một phần dùng ngân sách, 1 phần huy động từ doanh nghiệp.
Đối với kiến nghị phát triển nguồn điện khí, điện gió, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện Thái Bình đã được phê duyệt quy hoạch 1.500 MW. Bên cạnh đó, Thái Bình đã có Trung tâm nhiệt điện với 2 nhà máy tổng công suất 1.800 MW, trong khi đó công suất tiêu thụ của Thái Bình hiện nay là 700 MW. Do đó cũng cần tính toán kỹ lưỡng sao cho hợp lý và tinh thần chia sẻ.
Về mở rộng khu công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm tốt vấn đề thu hút đầu tư để tránh lãng phí nguồn lực. Vì kinh nghiệm cho thấy có những khu công nghiệp của một số địa phương đã thành lập và đi vào hoạt động 15-20 năm nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa đến 50%.
Thủ tướng phát biểu kết luận |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao những kết quả toàn diện của Thái Bình thời gian qua. Đặc biệt là việc triển khai các Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, cụ thể hoá nhanh Nghị quyết 20 của Tỉnh uỷ và các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ..
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với Thái Bình như tinh thần đoàn kết thống nhất nội bộ, giúp tăng trưởng kinh tế cao; thu ngân sách tăng cao; giải gân vốn đầu tư công tốt; chống dịch tốt dù đông dân, mật độ dân lớn, triển khai tiêm vắcxin nhanh); xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, hiệu quả; xây dựng nhiệm vụ sát với thực tiễn.
Thái Bình cũng ngày càng khang trang hơn với hạ tầng ngày càng phát triển, doanh nghiệp quan tâm đến tỉnh nhiều hơn; niềm tin của nhân dân vào Đảng tăng lên. Lãnh đạo tỉnh cũng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn để trở thành tỉnh kiểu mấu; chọn ra được công việc trọng tâm để làm; huy động sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra, sự chưa rõ nét trong phát triển kinh tế. Chưa khai thác hết hiệu quả trên đất và nguồn lao động dồi dào. Đồng thời Thái Bình còn nhiều thách thức như chiến lược hạ tầng kinh tế, giao thông, chống biến đổi khí hậu, hạ tầng ứng phó với ô nhiễm môi trường, hạ tầng giáo dục...Bên cạnh đó các địa phương chung quanh cũng đang có quyết tâm cao bứt phá.
Do vậy, Thủ tướng mong muốn Thái Bình có sự đột phá, phát triển bền vững hơn nữa, thu nhập của người dân cao hơn nữa. Khai thác hết tiềm năng nội lực cùng với sự hỗ trợ của ngoại lực. Và Thái Bình có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển.
"Thái Bình đã vượt qua chính mình nhưng cần khát vọng, động lực, vượt qua chính mình hơn nữa vì Thái Bình có truyền thống lịch sử văn hoá (500 di tích) lâu đời, có sự độc đáo của “đất lúa, quê nghề, chị hai năm tấn”, người dân thông minh chịu khó" - Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng cũng nói rõ, nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng của Thái Bình và cần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp theo hướng thị trường, áp dụng công nghệ, chế biến sâu, theo chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng cho rằng Thái Bình cần tập trung cho công tác quy hoạch với tầm nhìn chiến lược (ổn định lâu dài), tư duy đổi mới, đột phá tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới từ bên ngoài. Lựa chọn lĩnh vực trọng tâm trọng điểm, có ưu tiên giải quyết nút thắt về giao thông hướng ra quốc tế qua hệ thống cảng. Đẩy mạnh hợp tác công tư...
Đối với con đường ven biển, với nguồn vốn khoảng 6.000 tỷ, Thái Bình cần tập trung làm càng sớm, càng tốt vì nó góp phần kết nối với thế giới, giao lưu con người, hàng hoá. Nó tạo không gian phát triển mới, động lực mới, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên không trông chờ vào trung ương vì vốn ngân sách đã phân bổ cho tuyến đường này là 1.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng ý chủ trương lấn biển và cho rằng Thái Bình có nhiều khả năng thực hiện tốt do yếu tố địa chất.
Liên quan đến kiến nghị phát triển điện gió, Thủ tướng khẳng định, tinh thần là ủng hộ nhưng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản khoa học để khai thác tối đa nguồn năng lượng này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Thái Bình tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung tái cơ cấu kinh tế; chú trọng kiểm tra, giám sát; làm tốt công tác môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội...; Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vì đây là yếu tố rất quan trọng, không được xem thường.
Tại buổi làm việc Thủ tướng cũng giao cho các Bộ ngành Trung ương phối hợp hỗ trợ Thái Bình tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thúc đẩy nhanh thủ tục khu kinh tế ven biển; Quy hoạch tổng thể cả nước về lấn biển, trong đó có Thái Bình một cách cụ thể, chi tiết để dễ dàng triển khai; Hỗ trợ thành lập trung tâm chữa bệnh lớn tại Thái Bình gắn với vừa đào tạo, chữa bệnh, nghiên cứu; Sớm nghiên cứu giải quyết các kiến nghị chính sách liên quan đến người có công, người hoạt động kháng chiến trên địa bàn tỉnh đã bị ngừng hưởng chính sách người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học....