Khám xét Chi Cục đăng kiểm ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục bắt Giám đốc và 13 người tại Chi cục đăng kiểm đường thủy |
Ngày 23/2, nguồn tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi làm việc, bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Hải (59 tuổi, trú P.Lạch Tray, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng), Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 11; Vũ Văn Hạnh (44 tuổi, trú P.Trần Lãm); Trần Văn Quyết (37 tuổi) và Trần Công Trịnh (40 tuổi, trú tại P.Quang Trung, cùng TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) về tội "nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
3 bị can Vũ Văn Hạnh, Trần Văn Quyết, Trần Công Trịnh đều là đăng kiểm viên của Chi cục Đăng kiểm số 11, là thuộc cấp của Nguyễn Trung Hải.
Từ khoảng 11h15’ trưa nay (23/2), tại trụ sở Chi cục Đăng kiểm số 11 - Cục Đăng kiểm Việt Nam ở số 16 Trần Phú (phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) có rất đông cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Công an tỉnh Thái Bình tiến hành khám xét nơi làm việc của lãnh đạo, cán bộ chi cục. Đến 13h20' chiều cùng ngày, việc khám xét và tiến hành các thủ tục tố tụng mới hoàn tất. Xe chuyên dụng của cảnh sát chở theo các bị can và tài liệu, hồ sơ thu giữ được đã rời đi.
Bắt giam Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 11 Thái Bình và 3 thuộc cấp |
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đồng bộ tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ về các dấu hiệu sai phạm trong công tác kiểm tra thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, làm rõ việc lãnh đạo, cán bộ đăng kiểm thuộc Chi cục Đăng kiểm số 11 có hành vi nhận tiền từ các chủ phương tiện thủy nội địa đến làm thủ tục đăng kiểm để bỏ qua những lỗi về kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Qua đó, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thủy nội địa không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Cụ thể, các đối tượng đã nhận hàng trăm triệu đồng từ các chủ phương tiện thủy nội địa khác nhau để giúp các chủ phương tiện này vượt qua các khâu kiểm tra, thẩm định phương tiện mà không cần phải khắc phục các lỗi như: Không đầy đủ thiết bị neo đậu; thiếu trang bị phòng cháy chữa cháy, trang bị cứu sinh; không cho tàu lên đà... Bên cạnh đó, phương tiện tàu thuyền đã qua hoán cải, thay đổi kích cỡ, công năng vận hành máy cũng được làm ngơ để bỏ qua các lỗi vi phạm.
Các phương tiện này sau khi được cấp chứng nhận đủ điều kiện đã vô tư hàng ngày, hàng giờ lưu thông trên các tuyến giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, chìm đắm phương tiện, cháy nổ, hỏa hoạn...
Lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.