Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 80%
Theo báo cáo của Sở Công Thương Thái Bình, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (chỉ số IIP) tháng 9/2023 của tỉnh giảm 2,8% so với tháng 8/2023 và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số IIP của tỉnh Thái Bình tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 20%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 80%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.
Việc khánh thành và chính thức vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đưa chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện của tỉnh Thái Bình tăng vọt. Ảnh: Trung Du |
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 của Thái Bình (giá so sánh 2010) ước đạt 8.321 tỷ đồng, giảm 4,9%% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 72.007 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng ước đạt 222 tỷ đồng, giảm 18%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 66.104 tỷ đồng, tăng 5,7%; sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 5.392 tỷ đồng, tăng 88,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải nước thải ước đạt 288 tỷ đồng, tăng 6,7%.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng hơn 1 lần; thép cán (+88,7%); khăn mặt, khăn tắm và khăn khác (+9,8%); sứ vệ sinh (+26,8%); tai nghe tăng 3,4 lần; túi khí (+74,8%); phụ tùng khác của xe có động cơ (+12%); điện sản xuất (+92,8%);...
Tuy nhiên một số sản phẩm giảm mạnh như: Khí tự nhiên dạng khí (-25,7%); áo sơ mi cho người lớn (34,2%); gạch xây bằng đất nung (-29,9%); loa (-31,9%); cần gạt nước, sương, tuyết trên kính chắn (-45,4% );...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 17,3%
Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2023 của Thái Bình ước đạt 5.778 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 8/2023 và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 50.703 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 44.443 tỷ đồng, tăng 16,8%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 3.643 tỷ đồng, tăng 30%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.616 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Vẫn theo Sở Công Thương Thái Bình, tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 270 triệu USD, giảm 6,1% so với tháng trước và tăng 28,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 139 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.032 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.330 triệu USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Dệt may (1.127 triệu USD, tăng 2,88%), da giày (203,4 triệu USD, tăng 18,4%), xơ sợi (121,4 triệu USD, giảm 0,5%), linh kiện, phụ tùng xe (176 triệu USD, tăng 25.5%), thủy sản (24 triệu USD, tăng 65%), sắt thép (19,5 triệu USD, giảm 4,1%), thủ công mỹ nghệ (5,2 triệu USD, tăng 15%), sử dân dụng (17 triệu USD, tăng 7,7%),...
Theo thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Thái Bình đạt 1.078 triệu USD (chiếm 53%), tăng 14,7% so với cùng kỳ (trong đó Hàn Quốc 339 triệu USD, tăng 13,4%; Nhật Bản 287 triệu USD, tăng 23% chủ yếu tăng ở hàng khăn; Hồng Kông 143 triệu USD, giảm 24,5%; Lào giảm 69,3%); tiếp đến là Châu Mỹ đạt 577 triệu USD (chiếm 28,4%), tăng 3,4%; châu Âu đạt 191 triệu USD (chiếm 9,4%).
Về kết quả công tác khuyến công 9 tháng đầu năm 2023 đã triển khai thẩm định các đề án đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công năm 2023; thực hiện tư vấn, hướng dẫn các đơn vị lập dự án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, lựa chọn thiết bị, phương án đầu tư cho 13 đơn vị; tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và chương trình tiết kiệm năng lượng thu hút trên 600 đại biểu là các hộ sản xuất kinh doanh cá thể tham dự; tổ chức 02 Hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về an toàn điện năm 2023 cho các cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phát hành 03 bản tin Công Thương để giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, nghề và làng nghề Thái Bình, công tác an toàn về sử dụng điện, quản lý thương mại, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; tổ chức đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công; …Các chương trình, đề án đang được tích cực thực hiện.
Triển khai thực hiện đăng ký kế hoạch đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024 tới các huyện, Thành phố theo Công văn số 400/CTĐP-QLKC ngày 15/5/2023 của Cục Công Thương địa phương về việc xây dựng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024.
Trong công tác khuyến thương, các đơn vị chức năng của tỉnh Thái Bình đã tổ chức triển khai thực hiện các chương trình: Tổ chức Hội chợ Mừng Đảng Mừng Xuân Thái Bình 2023 và điểm bán hàng bình ổn Tết Nguyên đán Quý Mão; Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Hội nghị tập huấn tư vấn doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng; tổ chức lớp tập huấn về thương mại điện tử; tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành phố; tổ chức đoàn cán bộ đi nghiên cứu tìm hiểu học tập, hợp tác phát triển thị trường thương mại trong nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực phẩm, thủy sản, sản phẩm nghề và làng nghề của tỉnh; duy trì và cập nhật thông tin lên trang website của Sở. Các chương trình, đề án khuyến thương đang được tích cực triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh thúc đẩy xuất khẩu, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn Giao dịch thương mại điện tử Alibaba, Shopee, Sendo,... Tổ chức 02 Hội nghị tập huấn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử tại 2 huyện Đông Hưng và Thái Thụy nhằm nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ 11 đơn vị xây dựng website, 5 đơn vị quảng bá thông tin trên website uy tín của Bộ Công Thương, hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, xây dựng 03 đơn vị ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh. Duy trì Sàn Thương mại điện tử, cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP lên Sàn, hiện nay đã có hơn 290 gian hàng với hơn 2.200 sản phẩm được trưng bày, quảng bá trên Sàn với hơn 11.600 lượt truy cập.