Gây dựng để sớm có "sếu đầu đàn" Công nghiệp hỗ trợ: Hình thành “sếu đầu đàn” |
Khởi đầu từ một doanh nghiệp mua bán, sửa chữa xe tại Đồng Nai năm 1997, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) hiện là một tập đoàn công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam; bao trùm trên các lĩnh vực ôtô; cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp thông minh, hữu cơ; logistics, đầu tư và xây dựng; thương mại và dịch vụ, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước.
Tiên phong vì sứ mệnh
Điểm lại những dấu mốc đáng nhớ của THACO trong 25 năm hình thành và phát triển, ông Trần Bá Dương, người sáng lập cũng là Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, nhấn mạnh dấu ấn lớn của THACO chính là vào năm 2002, khi ông và các cộng sự đã tiên phong bước chân vào Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam nhằm hưởng ứng lời kêu gọi xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh thời đó và thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô của Chính phủ đến 2010, tầm nhìn 2020.
Bên trong nhà máy của THACO ở Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: TRẦN THƯỜNG |
Đến nay, sau hơn 15 năm, THACO đã từng bước xây dựng nơi đây trở thành một Trung tâm Công nghiệp ôtô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc tốp đầu trong khu vực ASEAN. "Việc đầu tư ra Chu Lai và chính thức tham gia vào ngành sản xuất lắp ráp ôtô là thách thức kép với chúng tôi trong bối cảnh hầu hết các nhà sản xuất ôtô quốc tế đều đã có mặt ở Việt Nam và Chu Lai, Quảng Nam vẫn còn là vùng đất nghèo nàn, hoang sơ nhất thời đó"- ông Dương phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm "THACO 25 năm hình thành và phát triển" vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Từng là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vào thời điểm THACO quyết định đầu tư vào địa phương này năm 2002 nên hơn ai hết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thấu hiểu những thách thức khi doanh nghiệp tìm tới Chu Lai để làm sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Đồng thời bày tỏ ấn tượng đặc biệt khi THACO mang lại sự thay đổi cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng đất đai cằn cỗi, hoang hóa và còn nhiều khó khăn như Chu Lai, Quảng Nam.
"Gần 25 năm trước chúng ta không thể hình dung mảnh đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai của tỉnh Quảng Nam có thể trở thành khu kinh tế mở năng động, có khu công nghiệp ôtô và cơ khí lớn nhất Việt Nam… Chính sự đầu tư của THACO đã đem đến sự đổi thay cho vùng đất cách mạng còn nhiều khó khăn này. Nhìn lại lịch sử phát triển của THACO chúng ta thấy quyết định đầu tư vào Chu Lai là một quyết định có tính lịch sử, không chỉ có ý nghĩa mở đường cho sự phát triển vượt bậc cho chính THACO mà còn trong ngành công nghiệp ôtô và nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng khác" - Chủ tịch nước nhận xét và khẳng định thành công của THACO không chỉ đóng khung trong sự thành công của một doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong sự thành công của một số địa phương trong cả nước.
Là địa phương hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động đầu tư của THACO ở Chu Lai, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhất trí rằng chính sự xuất hiện của THACO đã góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kể từ năm 2017, Quảng Nam trở thành một trong số 16 tỉnh, thành điều tiết về ngân sách trung ương. Năm 2020, 2021, bất chấp dịch COVID-19 tàn phá, Quảng Nam thu ngân sách lớn, thuộc tốp đầu khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Năm 2022, thu ngân sách Quảng Nam lập kỷ lục, ước đạt hơn 32.100 tỉ đồng. Trong đó, dấu ấn của THACO là rất lớn.
"Chúng tôi bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của THACO trong suốt thời gian qua, đặc biệt là năm 2020, 2021, khi dịch bệnh vô cùng phức tạp. Mặc dùng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng tập đoàn vẫn đồng hành với tỉnh Quảng Nam, vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tham gia hỗ trợ các sự kiện, các hoạt động phòng chống dịch trên toàn quốc, giúp cho công tác phòng chống thiên tai cũng như tham gia rất nhiều hoạt động an sinh xã hội. Điều đó thể hiện nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo THACO, của sự đoàn kết, gắn bó giữa tỉnh Quảng Nam với Tập đoàn THACO trong suốt thời gian qua, đó cũng là minh chứng cho sự năng động, sáng tạo, đổi mới của THACO" - ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Người truyền cảm hứng
Thực tế, THACO hiện nay không chỉ sản xuất lắp ráp xe mà còn tạo nên diện mạo mới cho ngành công nghiệp. Riêng lĩnh vực ôtô, THACO đã không ngừng gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, có sản phẩm nội địa hóa 65% kể cả hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất ôtô nội địa với xu thế phát triển xanh, thông minh và bền vững, công trình xanh...
Lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ không chỉ ở Chu Lai, THACO còn đang hướng đến các khu công nghiệp ở khu vực phát triển một số khu vực Nam - Bắc, xây dựng ngành kinh tế sâu. Tăng cường đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, hợp tác từ các nước. Hiện THACO đã có 25 nhà máy cơ khí và 10 nhà máy khác đang xây dựng tại Bình Dương, Thái Bình…
Ngoài ra, THACO cũng đã đầu tư sâu vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, sản xuất hữu cơ, hiện đại hóa, cơ giới hóa nông nghiệp. Từ đó hình thành hệ sinh thái khép kín gồm: trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, từng bước hình thành trung tâm sản xuất chế biến lâm nghiệp, góp phần tái cơ cấu mạnh mẽ cho nền nông nghiệp nước nhà, đóng góp cho mối quan hệ quốc tế với các nước bạn Lào, Campuchia, Myanmar…
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, THACO đã góp phần hiện đại hóa cảng biển, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị cũng như đầu tư mạnh cho lĩnh vực thương mại.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: "Thành công của THACO đã chứng minh rằng môi trường Việt Nam hoàn toàn có thể sản sinh ra những doanh nghiệp tầm cỡ, rằng "hoa có thể nở trên cát". THACO đã thôi thúc tinh thần dám nghĩ, dám làm, truyền cảm hứng vào sự thành công của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác".
Từ thành công của THACO, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có thể rút ra một số bài học quan trọng, đó là "không chọn trước người chiến thắng mà cần hậu thuẫn cho người có khả năng chiến thắng"; "luôn tìm thấy tiềm năng trong khó khăn, cơ hội trong thách thức"; lãnh đạo cần có tầm nhìn với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, chính quyền phải luôn có sự đồng hành, sát cánh cùng với doanh nghiệp. "Con sếu đầu đàn chỉ có thể đến từ những doanh nhân có tầm nhìn xa, có khát vọng lớn lao cùng tâm huyết đồng hành với dân tộc, đi cùng thời cuộc đất nước" - Chủ tịch nước nói.
Tầm vóc của tỉ phú "Hoa có thể nở trên cát". Câu ví von này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn THACO đã khái quát đầy đủ cho một câu chuyện thành công sau cái bắt tay giữa lãnh đạo địa phương và DN tại vùng đất khó khăn Quảng Nam. Năm 2000, với nguồn thu ngân sách chỉ 300 tỉ đồng, Quảng Nam vẫn ngập trong khó khăn và nhỏ bé so với người anh em là TP Đà Nẵng trù phú. Lác đác chỉ vài DN hoạt động và không đủ tiền chi thường xuyên, cứu đói, khắc phục hậu quả bão lụt… Trước nghịch cảnh này, một hội thảo mang tính lịch sử của Quảng Nam được mở ra với chủ đề: "Cảng thị Hội An xưa - Khu kinh tế mở Chu Lai hiện nay". Hội thảo xác định Khu Kinh tế mở Chu Lai sẽ là chìa khóa để Quảng Nam thoát nghèo và có cơ hội sánh vai với những tỉnh, thành "nhà giàu". Ba năm sau, THACO có mặt tại nơi này. Hàng ngàn việc làm đã được tạo ra, vùng đất cát khô cằn Chu Lai trở mình trù phú. Với suy nghĩ thông thường, người giàu là người có nhiều tiền trong túi, tầm vóc của DN tỉ lệ thuận với số tiền họ sở hữu. Lối nghĩ này không sai nhưng đã dần lạc hậu. Trong thời đại hiện nay, giá trị của DN, doanh nhân ở chỗ bản thân làm giàu và làm giàu được cho người khác. Sự lớn mạnh của một công ty mang ý nghĩa lớn hơn khi tạo được môi trường sống tốt hơn cho mọi người xung quanh. Trong bối cảnh cụ thể này, tầm vóc của một tỉ phú chính là sự đóng góp cho xã hội. Có nhiều cách làm nhưng rõ ràng nhất chính là số tiền thuế mà DN đã nộp. Theo thông tin chính thức từ THACO, trong giai đoạn 2015 - 2019, tập đoàn đã nộp ngân sách tỉnh Quảng Nam 66.764 tỉ đồng (chiếm từ 65%-70% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh). Riêng năm 2019, tổng nộp ngân sách của THACO là 19.395 tỉ đồng, trong đó nộp tại tỉnh Quảng Nam 14.326 tỉ đồng, góp phần lớn để đưa tỉnh này gia nhập Câu Lạc bộ 20.000 tỉ (những địa phương thu ngân sách trên 20.000 tỉ đồng/năm). Năm nay, Quảng Nam dự toán thu ngân sách hơn 32.000 tỉ đồng, trong đó THACO tiếp tục đóng góp hơn 15.000 tỉ đồng. Còn tính trên phạm vi toàn quốc, ước tính THACO đóng thuế năm 2022 khoảng 38.000 tỉ đồng, là một trong 2 DN nội địa đóng thuế cao nhất. Tạo bước đi và "mối lương duyên" bền chặt như Quảng Nam và THACO là một câu chuyện kinh tế hiệu quả và tử tế. Nó xuất phát từ sự cầu thị của đôi bên về mục tiêu chung là mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân theo ý nghĩa dân giàu, nước mạnh. Nó là thước đo tầm vóc của doanh nhân và khi bước chân ra thế giới, được sự ủng hộ của người dân, được sự hỗ trợ của nhà nước, tầm vóc này dần lớn mạnh tạo nên thương hiệu quốc tế. Duy Phương |