Đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất nghỉ 7 ngày Tết Nguyên đán 2023 |
Theo đó, đa phần người lao động đều cho rằng, hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 hay 9 ngày bắt đầu từ 29 hoặc 30 tháng chạp là quá muộn, không phù hợp, cần nghỉ sớm hơn cho phù hợp với tình hình thực tế.
2 phương án nghỉ Nghỉ Tết Nguyên đán 2023
Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Phương án một là nghỉ 7 ngày từ 29 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (20-26/1/2023). Phương án hai là nghỉ 9 ngày từ 30 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023).
Như vậy, việc đề xuất lựa chọn nghỉ 7 ngày gồm hai ngày trước và ba ngày sau Tết, cộng thêm ngày nghỉ bù hàng tuần để đảm bảo "tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài". Nếu theo lịch này, công chức, người lao động cả nước sẽ đi làm lại vào ngày mùng 6 Tết, sau đó nghỉ tiếp thứ bảy, chủ nhật.
Thực tế, dù lựa chọn phương án nào thì số ngày nghỉ chính thức vẫn là 5 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (Điều 112), số ngày còn lại là nghỉ hàng tuần hoặc nghỉ bù.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 2 tuần qua, đơn vị này đã nhận được công văn trả lời của Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… về 2 phương án lịch nghỉ tết 7 ngày và 9 ngày.
Đa số các bộ ngành chọn phương án 1, đó là nghỉ 7 ngày (trong đó có 5 ngày nghỉ tết theo bộ Luật Lao động và 2 ngày nghỉ cuối tuần).
Riêng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất thêm phương án nghỉ 8 ngày.
Tuy nhiên, ngày 12.9, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lựa chọn phương án 2, nghỉ 5 ngày tết theo quy định, cộng thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần và 2 ngày nghỉ bù theo bộ luật Lao động. Tổng số ngày nghỉ của phương án 2 là 9 ngày.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất cho công chức, viên chức nghỉ tết Nguyên đán 2023 từ ngày 21.1.2023 (thứ bảy) đến hết chủ nhật ngày 29.1.2023. Tức là kỳ nghỉ Tết kéo dài từ ngày 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão.
Lý giải về lựa chọn này, Bộ Tài chính nêu rõ: “Việc lựa chọn phương án nêu trên đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp, tạo điều kiện để công chức, viên chức chủ động có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt là người đi làm xa”.
Nghỉ Tết từ 29 tháng chạp là quá muộn!
Chị Ngô Thúy Anh công tác tại một đơn vị nhà nước trên địa bàn Hà Nội cho biết: nếu theo phương án đề xuất nghỉ Tết 7 hay 9 ngày, đều nghỉ từ 29 hay 30 Tết là quá muộn. Nếu 29 Tết nghỉ, chị thu xếp việc gia đình và về quê tận Hà Tĩnh cùng chồng con, di chuyển về Hà Tĩnh những ngày Tết đường xá đi lại đông đúc, khó khăn “có khi đến chiều 30 Tết mới về được tới quê, đón giao thừa là vừa. Còn nếu theo phương án nghỉ từ 30 tháng chap chắc chắc nhiều người dân sẽ phải đón giao thừa trên đường di chuyển” - chị Thúy Anh cho biết.
Việc nghỉ sớm trước Tết cũng giúp người dân có thời gian mua sắm Tết, kích cầu, giảm bớt áp lực giao thông |
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đề nghị nghỉ thêm một ngày trước Tết (khoảng 28 tháng chạp) để việc đi lại về quê của người dân giãn ra. Hàng không, bến xe đều được giảm tải và nhà xe không bị áp lực tăng chuyến.
Đồng tình với ý kiến của Vụ Vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị nhà nước cho người dân nghỉ liền mạch 9 ngày và nghỉ trước Tết sớm hơn để có thời gian mua sắm, người xa quê kịp di chuyển về nhà, và người muốn đi chơi xa, du lịch nước ngoài cũng có thời gian sắp xếp.
Cùng đồng tình với việc nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn, đa phần ý kiến người dân cho rằng, việc nghỉ Tết sớm hơn sẽ kéo theo rất nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, giúp giảm tải được giao thông đi lại cho người dân. Nếu được nghỉ Tết sớm từ khoảng 24-25 tháng chạp, người dân sẽ về quê hoặc đi du lịch rải rác trong khoảng thời gian 4-5 ngày trước Tết, giảm tải được rất nhiều cho hệ thống giao thông.
Thứ hai, kích thích được nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân. Theo thói quen của người dân Việt Nam, việc sắm sanh, dọn dẹp nhà cửa cho những ngày Tết thường được tiến hành trong một tuần trước Tết Nguyên đán. Nếu chỉ được nghỉ 1 ngày trước Tết thì việc di chuyển đã chiếm hết thời gian, không có lúc nào cho các hoạt động mua bán này. Trong khi đó, việc giao dịch mua bán sắm sửa của người dân diễn ra nhộn nhịp nhất trong năm vào những ngày này, tạo cú hích cho mọi thành phần kinh tế...
Người dân về quê ăn Tết tại sân bay Tân Sơn Nhất kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 |
Bên cạnh đó, dịp Tết Nguyên đán cũng rất nhiều gia đình có nhu cầu đi du lịch. Chính vì thế, nên nếu kỳ nghỉ Tết diễn ra sớm hơn, đồng thời nghỉ dài hơn sẽ tạo điều kiện để người dân sắp xếp thời gian, công việc, thuận tiện cho việc du lịch.
Thứ ba, theo thống kê, các ngày lễ tết của việt Nam đang ít hơn so với thế giới. Nhiều người lao động xa quê hương đi làm ăn chỉ mong có được một kỳ nghỉ dài để về thăm quê hương, gia đình họ hàng, con cái… nên nếu việc nghỉ quá ít ngày và sát Tết sẽ rất khó để người lao động có thể thu xếp được. Chính vì thế, không những kiến nghị nghỉ sớm nhiều ngày trước Tết, nhiều người dân cũng có kiến nghị kỳ nghỉ dài hơn, khoảng 10-12 ngày để thuận tiện cho các hoạt động.
Gia đình chị Hoàng Thanh Hoa - quê gốc Bắc Ninh nhưng định cư tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 20 năm qua đề xuất: “Tôi cho rằng kỳ nghỉ Tết phải dài hơn, thậm chí kéo dài 2 tuần và nghỉ từ khoảng 24-25 tháng chạp. Như vậy mới có đủ thời gian cho người lao động như chúng tôi thu xếp thời gian về quê, tránh tình trạng ùn tắc kéo dài ở các sân bay, nhà ga, bến tàu…”
Ông Trần Văn Tư - Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Anh Agritech - một đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với hơn 100 lao động cho biết: Hầu như người lao động của Công ty đều quê gốc ở Huế. Chính vì thế, mỗi năm Công ty đều cho nghỉ Tết sớm từ khoảng 22-23 tháng chạp và nghỉ qua rằm. Kỳ nghỉ kéo dài tới 20 ngày. Ông Tư cho biết: người lao động đã làm việc vất vả cả năm, hơn nữa việc di chuyển từ miền Bắc vào lại Huế không đơn giản. Việc Công ty cho nghỉ sớm từ 22 tháng chạp để tạo điều kiện giúp người lao động tránh được áp lực giao thông khi di chuyển về quê, có thời gian sum họp gia đình, ông bà cha mẹ và sắm sửa chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, trọn vẹn.