Techcombank tiếp tục lọt top bảng xếp hạng “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” 2024 Techcombank dành nhiều ưu đãi cho khách hàng giao dịch mua bán ngoại tệ |
Sau hơn 2 tuần kể từ thời điểm Quyết định 2345/QĐ-NHNN chính thức có hiệu lực (từ 1/7/2024), hơn 22 triệu tài khoản đã được xác thực, làm sạch bằng công nghệ nhận diện sinh trắc học, đảm bảo khớp đúng với dữ liệu trên căn cước công dân. Trong đó, Techcombank hiện là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ khách hàng cập nhật thành công sinh trắc học.
Kể từ ngày 1/7/2024, toàn hệ thống ngân hàng đã chính thức vận hành nhận diện sinh trắc học trong các giao dịch thanh toán điện tử theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Tiến Dũng, đã dùng cụm từ “Chiến dịch 2345” để mô tả về đợt cao điểm triển khai thực hiện các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, Techcombank đang là ngân hàng có tỷ lệ khách hàng cập nhật thành công sinh trắc học cao nhất hệ thống với 25,96%. Ngân hàng đứng thứ hai đạt tỷ lệ hơn 23%, và 4 ngân hàng khác đạt tỷ lệ trên 10%. Các ngân hàng còn lại có tỷ lệ khách hàng cập nhật thành công sinh trắc học ở mức dưới 10%.
Xét về số lượng tuyệt đối khách hàng hoàn thành sinh trắc học trên mobile, Top 3 ngân hàng đứng đầu là Techcombank, Vietcombank và Military Bank. Thống kê ghi nhận tại Techcombank, khoảng 2,6 triệu khách hàng đã hoàn thành cập nhật sinh trắc học, chiếm đến hơn 90% tổng số lượng khách hàng thường xuyên có giao dịch trên 10 triệu đồng. Trong số này, có 2,3 triệu khách hàng hoàn thành cập nhật sinh trắc học thông qua Mobile App, và các khách hàng còn lại thực hiện thu thập dữ liệu tại quầy.
Hành trình chuẩn bị cho “Chiến dịch 2345: Những câu chuyện chưa kể
Việc xác thực sinh trắc học còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng nhất là trong bối cảnh các vụ lừa đảo, trộm tiền qua ngân hàng thời gian qua tăng mạnh. Thực tế, trước ngày 1/7 khi Quyết định 2345 có hiệu lực, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã bước vào “cuộc chạy nước rút” nhằm chuẩn bị sẵn sàng về nền tảng công nghệ để hỗ trợ nhanh nhất, tốt nhất cho khách hàng nhằm thực hiện thu thập dữ liệu sinh trắc học, đối sánh với thông tin lưu trữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hé lộ về hành trình chuẩn bị cho việc triển khai Chiến dịch 2345, ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi số của ngân hàng Techcombank, chia sẻ: Techcombank đã tập hợp đội ngũ dự án lớn, với hơn 60 chuyên gia về UX, quản lý sản phẩm, phát triển công nghệ, giao tiếp khách hàng, quản lý rủi ro… “Chúng tôi đã nghiên cứu hơn 200 mẫu điện thoại di động có vị trí NFC (chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn) khác nhau để chuẩn bị hướng dẫn khách hàng ở nhiều định dạng sản phẩm truyền thông trực quan, từ định dạng animation (hoạt họa), video, email cho đến các thông tin quảng bá khác… Cùng với đó, Techcombank tiến hành hơn 40 giờ đào tạo cho mỗi nhân viên trong số 5.000 nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng từ tháng 2.2024”.
Cùng với đó, nhà băng này sử dụng công cụ phân tích dữ liệu hiện đại để phân bổ danh sách khách hàng số hóa thành hơn 50 nhóm, dựa trên vị trí, loại thiết bị, tần suất sử dụng, thói quen thanh toán… để chuẩn bị cho các tin nhắn được cá nhân hóa, nhằm hướng dẫn khách hàng thực hiện cài đặt sinh trắc học ở các điểm tiếp xúc khác nhau, từ chi nhánh, tổng đài, qua cán bộ dịch vụ khách hàng, cho đến đăng tải trên mạng xã hội, email, tin nhắn trong ứng dụng… Vào ngày cao điểm bắt đầu triển khai giao dịch bằng sinh trắc học, Techcombank đã tận dụng cơ sở hạ tầng đám mây để nâng cao năng lực phục vụ khách hàng, nhằm tránh những gián đoạn không mong muốn.
Đầu tư mạnh cho công nghệ chống deepfake tiên tiến
Lãnh đạo một số ngân hàng nhấn mạnh, tiến trình triển khai Quyết định 2345 không phải là nhiệm vụ đơn thuần, mà còn là cơ hội, động lực thúc đẩy tất cả các ngân hàng xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học cũng như phát triển các ứng dụng sinh trắc học vào thực tiễn để phục vụ khách hàng. Theo ông Pranav, Techcombank còn đầu tư mạnh vào công nghệ bảo mật: sử dụng xác thực sinh trắc học kết hợp với các lớp bảo vệ khác bao gồm lá chắn ứng dụng (để phát hiện trình giả lập), FIDO, công nghệ chống deepfake tiên tiến (kiểm tra độ sống động của tia flash)…
Qua quá trình thực hiện, Techcombank ghi nhận một nhóm khách hàng không thể tự thực hiện được sinh trắc học trên app vì nhiều lý do khác nhau, như điện thoại không hỗ trợ NFC, gặp khó khăn trong việc xác định vị trí quét NFC trên điện thoại, hoặc đã thực hiện nhiều lần song không thành công… Với trường hợp khách hàng chưa thực thành công, nhà băng này thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ và khuyến nghị các khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh hoặc phòng giao dịch Techcombank gần nhất để được hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, tính đến thời điểm hiện tại, Chiến dịch 2345 đã khẳng định được sự thành công với những nỗ lực chuẩn bị kỹ lưỡng từ các ngân hàng thành viên, với hàng chục triệu tài khoản đã đăng ký thành công sinh trắc học. Con số này góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng đồng thời gia tăng tính bảo mật, an toàn cho hệ thống ngân hàng. “Giải pháp xác thực giao dịch số hóa bằng sinh trắc học là một trong những cam kết mạnh mẽ của Techcombank nhằm tuân thủ cao nhất các yêu cầu của NHNN, đồng thời, hướng đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo giao dịch an toàn, bảo mật cho khách hàng trên không gian ngân hàng số”, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ.
Tuân thủ cao nhất Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, Techcombank áp dụng giải pháp xác thực bằng sinh trắc học trên ngân hàng số cho thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, bao gồm: - Giao dịch đầu tiên thực hiện trên thiết bị mới (trong lần đầu đăng nhập ứng dụng Techcombank Mobile, hoặc sau khi đổi thiết bị cài đặt Techcombank Mobile); - Giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch; Hạn mức chuyển tiền cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng/ngày; - Giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng (trên 1 giao dịch hoặc trên ngày); - Các giao dịch chuyển tiền nước ngoài, yêu cầu mua bán ngoại tệ (không phân biệt giá trị giao dịch). |