Ngày 28/6/2024, Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhịp độ tăng trưởng +7,9% so cùng kỳ, trong đó khu vực tăng trưởng cao nhất là công nghiệp xây dựng (+11,02%); kế đến là thương mại dịch vụ (+7,09%); còn khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản cũng tăng khá (+3,74%); phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, tăng (+2,63%) thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của GRDP 6 tháng đầu năm là khu vực công nghiệp xây dựng, đóng góp 4,77 điểm %; kế đến là khu vực thương mại dịch vụ với 2,25 điểm %; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ đóng góp 0,75 điểm %. Phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, cũng đóng góp (+0,13) điểm % cho tăng trưởng chung.
Kết quả từng quý, GRDP quý I có tốc độ tăng khá cao (+8,52%), đà tăng trưởng có chậm lại ở quý II (+7,36%). Về cơ cấu kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất (47,0%) trong GRDP, kế đến là khu vực dịch vụ (31,49%), khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục xu hướng giảm trong cơ cấu và chiếm tỷ trọng (16,96%), phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm (4,55%).
Kết quả kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm, duy trì đà tăng trưởng khá (+7,9%) xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước và dẫn đầu các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Ảnh: Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh). |
Về sản xuất công nghiệp, thời gian qua mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, xung đột các khu vực leo thang, đe dọa đến an toàn hàng hải trong khu vực và chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đơn hàng sản xuất vẫn thiếu ổn định, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp địa bàn tỉnh đạt tăng trưởng khá cao (13,51%), nhờ có thêm năng lực mới đi vào hoạt động, hơn nữa Quý I năm trước một số ngành tăng trưởng âm, thì năm nay sản xuất ổn định hơn. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,51% so cùng kỳ.
Về vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, thực hiện 6 tháng đầu năm, ước trên 1.500 tỷ đồng, mới đạt hơn 35% kế hoạch năm. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt trên 1.300 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp huyện đạt hơn 200 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt gần 19.600 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt trên 160 triệu USD (đã trừ vốn điều chỉnh giảm). Trong đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 11 dự án với vốn đăng ký 37,6 triệu USD; có 14 dự án điều chỉnh tăng vốn, với vốn tăng 137,6 triệu USD; 2 lượt dự án điều chỉnh giảm vốn, với vốn giảm 14,2 triệu USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 357 doanh nghiệp tổng vốn đăng ký là gần 4.000 tỷ đồng. Quy mô vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp là trên 11 tỷ đồng. Ngoài ra, có 140 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 70 doanh nghiệp giải thể.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại tại tỉnh Tây Ninh duy trì mức tăng trưởng khá, bên cạnh tiêu dùng của người dân địa phương, còn có đóng góp tiêu dùng của du khách đến Tây Ninh, nhất là trong dịp lễ, tết. Số lượng khách tham quan các khu, điểm du lịch 6 tháng ước đạt 3,4 triệu lượt và doanh thu du lịch ước đạt 1.845 tỷ đồng.
Số lượng khách tham quan các khu, điểm du lịch 6 tháng ước đạt 3,4 triệu lượt (Ảnh: Tayninh.gov.vn). |
Ngoài ra, do nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng luôn được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp nên không xảy ra tình trạng “khan hàng, sốt giá”. Các chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Nhiều đơn vị kinh doanh đã chủ động đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi, đa dạng hóa các hình thức lựa chọn, đặt hàng, thanh toán trên kênh mua sắm trực tiếp lẫn thương mại điện tử, đã góp phần làm cho hoạt động thương mại trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn, tạo động lực để thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá 6 tháng trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 46.022 tỷ đồng. Các nhóm hàng chiểm tỷ trọng lớn có chỉ số tăng trưởng cao như: nhóm hàng lương thực thực phẩm; nhóm xăng dầu các loại; nhóm ô tô các loại tăng; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình. Doanh thu các hoạt động dịch vụ ước đạt 12.492 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Tây Ninh giải quyết việc làm tăng thêm 8.600 lao động. Ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, tư vấn việc làm cho người lao động, tổ chức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 11.000 người.