Phát biểu chào mừng, ông Đỗ Tiến Đông- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay, Gia Lai là địa phương có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối với các nước trong khu vực tam giác phá triển Việt Nam- Lào- Campuchia. Thời gian qua, ngành Công Thương Gia Lai có nhiều bước phát triển đáng kể. Lượng hàng hóa dồi dào, phong phú; kim ngạch xuất khẩu đạt 290 triệu USD. Tỉnh hiện có 48 nhà đầu tư triển khai 53 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, thời gian qua, ngành Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên gồm 10 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm, cùng nhau tìm giải pháp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế.
Cùng với việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, ngành Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên còn đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như: quản lý quy hoạch; xây dựng chương trình, đề án phát triển ngành; thực hiện tái cơ cấu ngành phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển bền vững giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung quản lý công nghiệp, năng lượng, kỹ thuật, an toàn môi trường công nghiệp và thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành Công Thương trong khu vực còn đẩy mạnh công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, quản lý thương mại xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thanh tra pháp chế, cải cách thủ tục hành chính.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, lĩnh vực công nghiệp và thương mại khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong khu vực đạt 443.953 tỷ đồng (so với giá năm 2010). Hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay. Cùng với đó, hoạt động thương mại cũng có bước tiến đáng kể. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khu vực đạt 697.209 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8.445,1 triệu USD (chưa tính các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam), tăng 10,4% so với năm 2017; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 5.175,8 triệu USD (chưa tính 3 tỉnh trên), tăng 31,1% so với năm 2017.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Hội nghị đã tập trung, thảo luận trao đổi làm rõ những nội dung quan trọng ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên; đánh giá một cách khách quan những kết quả đạt được về sản xuất công nghiệp- thương mại, quản lý nhà nước về ngành Công Thương; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mặt và nhiệm vụ chiến lược của ngành.
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên được đánh giá là có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn có nhiều tiềm năng lợi thế riêng, thuận lợi cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển…
Sau khi nghe trao đổi và tham luận của Sở Công Thương các địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, địa bàn miền Trung- Tây Nguyên có cơ hội phát triển lớn về nguồn năng lượng tái tạo. Chính sách kêu gọi thu hút đúng đắn của Nhà nước và các Sở Công Thương đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho UBND các địa phương phát triển hệ thống năng lượng tái tạo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương tặng hoa cho nguyên Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng và Kon Tum |
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phát triển ngành Công Thương chưa có tăng trưởng cao, chưa được như mong muốn. Hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế giữa ngành Công Thương, chưa có phát triển đồng bộ toàn khu vực giữa các tỉnh miền biển và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo các Sở Công Thương cần tập trung quan tâm, tập trung nguồn lực phát triển đẩy mạnh công nghiệp như thủy sản, hóa dầu, cảng biển, sản xuất vật liệu cao cấp, năng lượng tái tạo. Tập trung thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh địa phương, nối liền các tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…
“UBND các tỉnh xây dựng và lập quy hoạch vùng, có sự phối hợp chặt chẽ để cùng phát triển. Các sở, các địa phương nâng cao vai trò nhà nước trong sự hỗ trợ cho doanh nghiệp góp phần phát triển mạnh mẽ cho công nghiệp, thương mại toàn khu vực hội nhập với kinh tế quốc tế. Nghiên cứu nắm bắt tốt những cơ hội của các hiệp định thương mại mới, cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, phía các Sở Công Thương địa phương cần nắm rõ vấn đề để tham mưu cho UBND các tỉnh và hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Đại diện sở Công Thương Gia Lai trao cờ Luân lưu cho Sở Công Thương Quảng Bình đăng cai Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên năm 2020 |
Dịp này để ghi nhận những đóng góp cho ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trao quà lưu niệm cho nguyên Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng và tỉnh Kon Tum. Đồng thời, đại diện sở Công Thương Gia Lai trao cờ Luân lưu cho Sở Công Thương Quảng Bình đăng cai Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên năm 2020.