Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) Đề xuất 4 nhóm chính sách sửa đổi Luật Hóa chất |
Sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết
Theo ghi nhận từ các chuyên gia, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 đã tạo hành lang pháp lý chính thức, thống nhất cho các hoạt động hóa chất tại Việt Nam. Việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, Luật Hóa chất cần phải sửa đổi do một số quy định của Luật đã bộc lộ bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế; hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; một số cam kết trong các Công ước, Điều ước quốc tế về quản lý hóa chất mà Việt Nam là thành viên chưa được quy định trong Luật.
Để tiến hành chỉnh sửa văn bản Luật này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định. Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định, hiện đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 với 4 nhóm chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.
Tập trung nguồn lực xây dựng Luật Hóa chất sửa đổi |
Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Luật Hóa chất (sửa đổi). Lộ trình triển khai xây dựng dự thảo Luật Hoá chất sửa đổi dự kiến phải hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, trình Bộ Tư pháp thẩm định vào quý II/2024; trình Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào quý III/2024; dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp lần thứ 8 (10/2024); hoàn thiện Dự án Luật và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần thứ 9 (5/2025) và dự kiến Công bố Luật Hóa chất sửa đổi vào quý III, IV/2025.
Đề xuất 4 nhóm chính sách
Căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu từ thực tiễn, Bộ Công Thương đề xuất 4 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.
Thứ nhất, phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại: Bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; xây dựng một số yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự án hóa chất; xây dựng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy mạng lưới tư vấn trong hoạt động hóa chất, hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng; sửa đổi quy định về thời điểm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; bổ sung quy định về lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Thứ hai, quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời: Rà soát, xây dựng quy định nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý xuyên suốt vòng đời của hóa chất, đồng thời kết hợp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quy định việc nhập khẩu hóa chất phải khai báo, đối với một số hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ có quy định riêng; nghiên cứu, xây dựng các quy định riêng phù hợp với đối tượng đặc thù của hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý các loại hóa chất với các mức độ chặt chẽ khác nhau tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm, kết quả đánh giá rủi ro và yêu cầu đảm bảo an toàn, trật tự xã hội; xây dựng tiêu chí cụ thể nhằm xác định hóa chất cần phải quản lý trong toàn bộ vòng đời; hóa chất cấm, hóa chất hạn chế phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; sửa đổi quy định về hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh để thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan.
Thứ ba, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Xây dựng các quy định về quản lý hóa chất độc hại trong sản phẩm; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin nguy hại về hóa chất của sản phẩm cho người sử dụng.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất: Hoàn thiện các quy định về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực hóa chất; cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả của Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và huấn luyện an toàn hóa chất; sửa đổi các quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện; tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp trong việc thống nhất quản lý, giám sát việc thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của doanh nghiệp; nâng cao hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các địa phương.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đảm bảo an toàn, xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa, huấn luyện an toàn hóa chất.
Ngoài nội dung trên, theo Cục Hoá chất, để thực hiện xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) theo tiến độ đặt ra cần phải tập trung nguồn lực để triển khai, ngay sau khi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được phê duyệt. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật…trong quá trình xây dựng Luật.