TP. Hồ Chí Minh buộc tiêu hủy 52 tấn đường tinh luyện không đảm bảo an toàn Bản tin Chống buôn lậu 18/10: Tiêu hủy 1 tấn pháo lậu; Bắt 36 tấn đường nhập lậu |
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát qua các tỉnh biên giới thời gian qua tuy không tăng nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm tới nay, dù chưa có số thống kê đầy đủ song ghi nhận từ lực lượng quản lý thị trường các tỉnh phía Nam cho thấy, các vụ việc buôn bán và vận chuyển đường lậu đã liên tục bị phát hiện. Đơn cử tại tỉnh Kiên Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh này cho biết, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ vận chuyển đường cát nhập lậu từ Campuchia với tang vật 8.000 kg. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn mua đường của doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng hóa đơn để xoay vòng để hợp thức hóa tính hợp pháp của hàng hóa.
Hay ở An Giang, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang cho biết, hồi đầu tháng 10 vừa qua đã phối hợp Ban Chỉ đạo 389 thị xã Tịnh Biên phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển hơn 3 tấn đường cát nhập lậu.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh - thị trường tiêu thụ đường lớn của khu vực miền Nam, theo đánh giá của lực lượng chức năng, việc vận chuyển, giao nhận vẫn bằng hình thức san từ xe vận chuyển lớn sang các xe trung chuyển nhỏ trong đêm tại các bãi xe nằm vùng ven như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận 12, tỉnh Bình Dương... Thống kê của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm 2023 đến 15/10/2023, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện 35 vụ chứa trữ, kinh doanh mặt hàng đường, tang vật thu giữ trên 110 tấn đường vi phạm.
Đường nhập lậu chờ tiêu hủy |
Lý giải tình trạng buôn lậu mặt hàng đường vẫn còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA cho rằng, do một số sơ hở pháp luật đang bị các đối tượng lợi dụng. Cụ thể là không thống nhất phương thức xử lý đường nhập lậu bị tịch thu. Tất cả đường nhập lậu gần đây đều là đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ. Phương thức xử lý đối với đường nhập lậu bị tịch thu hiện không thống nhất giữa các địa phương: một số địa phương tổ chức tiêu hủy, một số địa phương lại tổ chức bán đấu giá để sung công quỹ. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm về kinh doanh, buôn bán đường lậu hiện còn nhẹ khi chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Trước tình trạng trên, trong những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh khu vực phía Nam sẽ tập trung kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đường lậu.
Bên cạnh đó, về phía VSSA, ông Nguyễn Văn Lộc đề xuất cần tiêu hủy tất cả đường nhập lậu bị tịch thu; chấm dứt việc đấu giá để tiếp tục lưu thông đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, cho phép VSSA tham gia cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành Quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu (tương tự mặt hàng thuốc lá)…