Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vận hành văn phòng số Doffice Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh |
Phó Bí thư Đảng ủy – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Đào Nam Hải chủ trì chương trình với sự tham gia của toàn thể Ban lãnh đạo Tập đoàn, cùng hơn 200 cán bộ tại cơ quan văn phòng Tập đoàn, Công đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex.
Giảng viên truyền đạt kiến thức PCCC & CNCH tại chương trình tập huấn |
Về phía Trường Đại học Cảnh sát PCCC – Bộ Công an có Đại úy, Thạc sỹ Trần Văn Khả - Giảng viên Khoa Cứu nạn, cứu hộ cùng các giảng viên hỗ trợ của Trường Đại học PCCC.
Chương trình tập huấn được triển khai với mục tiêu bổ sung kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác PCCC&CNCH, nâng cao ý thức trách nhiệm của Cán bộ công nhân viên, người lao động (CBCNV - NLĐ) tại Văn phòng và các thành viên trong đội PCCC & CHCN cơ sở tại Trụ sở Petrolimex. Từ đó, nắm vững vai trò, vị trí, tính chất, tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH, các kiến thức cơ bản về cháy, nổ; Tính năng tác dụng, cách bảo quản, sử dụng các phương tiện PCCC&CNCH được trang bị tại cơ sở. Ngoài ra, CBCNV - NLĐ Petrolimex còn được hướng dẫn sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng thoát hiểm, biện pháp chữa cháy, các tình huống có sự cố cháy nhà cao tầng, sơ cứu ban đầu cho người bị nạn.
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Đảng ủy – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải nhấn mạnh một số điểm trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH:
Nâng cao hiểu biết PCCN:Tuyên truyền, phổ biến các nguy cơ gây cháy và tổ chức đào tạo PCCC&CNCH định kỳ; Tạo điều kiện tối đa cho CBCNV tham gia các bài tập thực hành để nâng cao kỹ năng PCCC cá nhân.
Kiểm soát vật liệu gây cháy: Rà soát, phân loại các vật liệu gây cháy trong khu vực sinh hoạt, làm việc một cách cụ thể; Quản lý và kiểm soát các vật liệu cháy lan, cháy nhanh; Áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lan truyền của lửa.
Trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy: Chủ động lắp đặt và duy trì hệ thống báo cháy, chữa cháy đầy đủ; Tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hệ thống báo cháy, chữa cháy; Đào tạo, hướng dẫn CBCNV sử dụng hiệu quả phương tiện chữa cháy.
Chuẩn bị phương án PCCC: Xây dựng kế hoạch chữa cháy chi tiết, phổ biến kế hoạch và thực hiện các bài tập báo động định kỳ cho CBCNV; Trang bị cho CBCNV mặt nạ phòng độc, găng tay, búa chuyên dụng để chủ động thoát nạn trong trường hợp cần dùng tới.
Hoàn thiện quy định về PCCN: Rà soát các quy chế, quy định và bổ sung các điểm mới liên quan đến an toàn PCCN; Nghiêm cấm các hành vi gây mất an toàn PCCC như hút thuốc trong phòng làm việc, đấu nối các thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng bình cứu hoả chèn cửa thoát hiểm,…
Kiểm tra hệ thống thoát hiểm: Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống thoát hiểm định kỳ; Đảm bảo các tuyến thoát hiểm không bị cản trở; Chỉ dẫn mọi người thoát hiểm an toàn, có trình tự.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc đề nghị các đại biểu, học viên tham dự Chương trình đầy đủ, nghiêm túc; Tập trung theo dõi, lắng nghe, ghi chép nội dung trình bày của giảng viên; Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với tinh thần cầu thị, nắm bắt các vấn đề thật chắc, thật kỹ để sau khi kết thúc chương trình có thể áp dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tiễn cuộc sống góp phần đảm bảo an toàn PCCC cho gia đình, xã hội.