Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC sẽ bán trọn lô 254.901.153 cổ phần góp tại Vinaconex, tương ứng giá trị hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm là 5.429.394.558.900 đồng (tương ứng 21.300 đồng/cổ phần). Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel sẽ bán trọn lô 94.010.175 cổ phần góp tại Vinaconex, tương ứng phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm là 2.002.416.727.500 đồng (tương đương 21.300 đồng/cổ phần).
Trụ sở Tổng công ty Vinaconex |
Vinaconex là tổng công ty Nhà nước đầu tiên được đưa vào thí điểm cổ phần hóa, cổ phiếu của Vinaconex đã chính thức được niêm yết trên HNX từ năm 2008. Hiện nay, Vinaconex có 25 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết. Số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 của Vinaconex là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, đến nay vốn điều lệ đã tăng lên 4.417,1 tỷ đồng, với 3 cổ đông góp vốn lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần; Viettel sở hữu 21,28% vốn cổ phần; Quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54% vốn cổ phần.
Hoạt động chính của Vinaconex là xây lắp, chiếm trên 60% doanh thu, ngoài ra, Vinaconex còn kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp, dịch vụ cho thuê, tư vấn thiết kế, xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu, giáo dục đào tạo. Kết quả sản xuất, kinh doanh của Vinaconex trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt doanh thu thuần là 4.158 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 182 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 7.418 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là 20.179 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2018 Vinaconex đã đặt ra là phấn đấu đạt doanh thu 4.491,7 tỷ đồng, đạt lợi nhuận sau thuế là 491 tỷ đồng, cổ tức 12%.