Sáng tạo và nhạy bén
Những năm gần đây, nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế đang tăng trưởng mạnh, trong khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn và vấn đề về môi trường và phát triển bền vững đang ngày càng trở nên cấp thiết. Nắm bắt xu hướng tất yếu trong phát triển năng lượng tái tạo, cùng với sự sáng tạo, nhạy bén, tiềm lực tài chính và con người, Tập đoàn Hà Đô đã từng bước mở rộng chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực năng lượng.
Tập đoàn Hà Đô đã bắt đầu đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng từ năm 2006, và đến năm 2009 chính thức vận hành thương mại nhà máy điện đầu tiên – Thủy điện Za Hưng với công suất 30MW. Trong suốt 15 năm qua, Hà Đô từng bước đưa các dự án năng lượng vào vận hành với 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió, tổng công suất phát điện đạt 462MW. Đây là những dự án với tiềm năng tốt, được ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Tập đoàn Hà Đô.
Dự án điện gió 7A đã hoàn thành và phát điện thương mại vào tháng 10/2021 |
Chia sẻ về sự chuyển hướng này ông Nguyễn Trọng Minh - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô - cho biết: “Từ năm 2010, Hà Đô đã quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo đặc biệt là điện mặt trời, điện gió và trong thời gian vừa qua, chúng tôi luôn tìm hiểu cách thức đầu tư, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất từ các nước phát triển trên thế giới. Chúng tôi cũng rất cẩn trọng trong việc hoạch định chiến lược đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng về định hướng và chiến lược phát triển nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và gia tăng lợi ích cho cổ đông”.
Trong năm 2018, Hà Đô chính thức mở rộng đầu tư vào các dự án năng lượng điện mặt trời bằng việc thành lập các công ty thành viên chuyên trách, phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh phía Nam. Hai nhà máy điện mặt trời: Hồng Phong 4 (Bắc Bình – Bình Thuận) công suất 48MWp, bắt đầu phát điện thương mại từ 06/2019 và nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước (Ninh Phước– Ninh Thuận) có công suất 50MWp, phát điện thương mại 9/2020 và gần đây là dự án điện gió 7A (Thuận Nam – Ninh Thuận) đã phát điện toàn bộ công suất 50MW từ tháng 10 năm nay. Tất cả các dự án điện gió và mặt trời của Tập đoàn Hà Đô đều được hưởng giá bán điện ưu đãi (FIT).
Việc phát triển các dự án năng lượng đặc biệt là năng lượng tái tạo, chủ đầu tư không những cần có kinh nghiệm, chuyên môn sâu mà còn đòi hỏi một nền tảng năng lực tài chính tốt. Và đây cũng là những yếu tố chính làm nên thành công của Tập đoàn Hà Đô trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.. Trong những năm gần đây, Tập đoàn Hà Đô luôn nhận được những đánh giá cao từ cộng đồng nhà đầu tư cũng nhưcác tổ chức uy tín trong và ngoài nước, 3 năm liên tiếp từ 2014 – 2016, Hà Đô luôn vào Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới Forbes bình chọn” và 2 năm liên tiếp 2020-2021 các dự án điện mặt trời đạt giải Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu.
Khẳng định vị thế và giá trị mới trên thị trường tài chính
Dự kiến đến cuối năm 2021, sau khi đưa vào vận hành tổ máy cuối cùng của dự án Thủy Đăk Mi 2 (147MW), Tập đoàn Hà Đô sẽ nâng tổng công suất phát điện lên 462 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm đạt 1.340 triệu kwh và mang lại doanh thu 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, Hà Đô đang giữ vững vị thế trong Top 5 công ty niêm yết có sản lượng điện lớn nhất trên thị trường.
Ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Quản lý Năng lượng Tập đoàn Hà Đô lên nhận giải Top 10 dư án NLTT tiêu biểu 2021 |
“Thực tế cho thấy năng lực của chủ đầu tư là yếu tố quan trọng trong quyết định sự thành công của dự án. Ước tính có đến 80% các nhà đầu tư không có năng lực tài chính để thực hiện dự án, 10% nhà đầu tư có năng lực nhưng không có kinh nghiệm trong đầu tư lĩnh vực năng lượng. Rõ ràng số lượng nhà đầu tư đạt cả hai tiêu chí trên là không nhiều”, ông Nguyễn Trọng Minh - chia sẻ.
Với tiềm lực tài chính mạnh và 15 năm kinh nghiệm trong phát triển lĩnh vực năng lượng, cùng với các giải pháp thích hợp để tạo ra nguồn điện năng với giá thành nhỏ hơn hoặc bằng mức trung bình của ngành, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cho Tập đoàn Hà Đô. Ngoài ra, với thương hiệu quản trị doanh nghiệp niêm yết được đông đảo các nhà đầu tư biết đến cùng mối quan hệ sâu rộng với các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, nhờ đó Hà Đô luôn có khả năng huy động với mức chi phí tài chính khá thấp, bình quân hiện nay chỉ dưới 9%/năm. Riêng 02 năm gần đây, Hà Đô đã huy động thành công gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu, 4.000 tỷ đồng tín dụng với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển các dự án năng lượng.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của các dự án năng lượng do Hà Đô đầu tư về mặt kinh tế đó là yếu tố về công nghệ. Hà Đô luôn sử dụng những công nghệ hiện đại của các nước trong nhóm G7 như công nghệ Inverter String, công nghệ turbine loại không hộp số đồng bộ của hãng Enercon (Đức)….nhờ đó, các dự án tận dụng được nguồn vốn vay dài hạn qua chương trình tín dụng xuất khẩu (ECA) với lãi suất thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng trong nước. Qua đó, các dự án của Hà Đô giảm được chi phí lãi vay và tăng hiệu quả đầu tư cho dự án.
Cùng với đó là kinh nghiệm lựa chọn nhà thầu, giúp việc xây dựng, lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị, nhà thầu thi công có đủ năng lực và kinh nghiệm, rút ngắn thời gian thi công và tối ưu hóa về mặt chí phí. Từ đó, các dự án năng lượng Hà Đô triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm giảm suất đầu tư các dự án.
Sẵn sàng cho những mục tiêu lớn
Bất động sản, xây lắp, nghỉ dưỡng và năng lượng là những lĩnh vực mũi nhọn mà Hà Đô tiếp tục hướng đến trong giai đoạn 2020-2025.
Trong lĩnh vực bất động sản, ngoài việc mở rộng quỹ đất hiện có tại Hà Nội và TP.HCM, Hà Đô đang tính toán và nghiên cứu đầu tư tại những đô thị trẻ, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch mới của vùng, đảm bảo sản phẩm hướng đến nhu cầu và giá trị thiết thực, tiện nghi ngày càng nâng cao của người dân.
Năng lượng sạch tiếp tục là xu thế phát triển của xã hội. Kế hoạch đến năm 2025, Tập đoàn Hà Đô sẽ phát triển thêm mới các dự án điện mặt trời, điện gió, nâng tổng công suất phát điện của tập đoàn lên mức 1GW. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới khi mà vừa qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, diễn ra tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã cam kết giảm dần phát thải khí nhà kính và tiến tới Net Zezo vào năm 2050.