Tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV giai đoạn 2017 – 2020 chỉ rõ, mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng TKV trở thành tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững. Cùng với đó, tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động và cộng đồng nhằm phát triển bền vững.
Cụ thể, ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn TKV là công nghiệp than; công nghiệp khoáng sản - luyện kim; công nghiệp điện; vật liệu nổ công nghiệp. Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của tập đoàn là công nghiệp cơ khí; công nghiệp hóa chất; công nghiệp vật liệu xây dựng; quản lý, khai thác cảng; vận tải, hoa tiêu, kho bãi; xây dựng công trình mỏ, dân dụng, công nghiệp, giao thông; thăm dò, khảo sát địa chất; tư vấn kỹ thuật, khoa học công nghệ và đầu tư; giám định hàng hóa; đào tạo, y tế; phòng ngừa, ứng cứu, xử lý, khắc phục sự cố mỏ; hoạt động bảo vệ và hoàn nguyên môi trường.
Một trong những điểm nổi bật nhất của Đề án này là Công ty mẹ - Tập đoàn TKV - sẽ tiến hành cổ phần hóa vào năm 2019 do nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ. Ngoài ra, một số đơn vị cũng được cổ phần như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa tiêu hàng hải do Tập đoàn TKV nắm giữ 75% vốn điều lệ; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng do tập đoàn nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; Viện Cơ khí năng lượng và mỏ do tập đoàn nắm giữ 51% vốn điều lệ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Đắk Nông (hình thành từ việc chuyển đổi Công ty Nhôm Đắk Nông) cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 484a/VPCP-CN ngày 28/2/2017.
Bên cạnh đó, 16 đơn vị của Tập đoàn TKV sẽ giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu công ty mẹ, gồm: Công ty Than Hòn Gai; Công ty Than Nam Mẫu; Công ty Than Quang Hanh; Công ty Than Dương Huy; Công ty Than Thống Nhất; Công ty Than Khe Chàm; Công ty Than Hạ Long; Công ty Than Mạo Khê; Công ty Than Uông Bí; Công ty Tuyển than Cửa Ông; Công ty Tuyển than Hòn Gai; Công ty Kho vận Đá Bạc; Khách sạn Heritage Hạ Long.; Trường Quản trị kinh doanh; Trung tâm cấp cứu mỏ; Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh.
5 doanh nghiệp do tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm: Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ; Viện Khoa học công nghệ mỏ; Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Bệnh viện Than - Khoáng sản; Tạp chí Than - Khoáng sản.
Thực hiện tái cơ cấu, ngành Than sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn mới |
Tập đoàn nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại 3 công ty cổ phần: Than Vàng Danh, Than Hà Tu, Than Mông Dương. Nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 8 đơn vị: Công ty cổ phần Giám định; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp; Công ty cổ phần Kinh doanh than miền Bắc; Công ty cổ phần Kinh doanh than Cẩm Phả; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu than; Công ty cổ phần Vật tư; Công ty cổ phần Đồng Tả Phời; Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 4 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Chế tạo máy; Công ty cổ phần Cơ khí Mạo Khê; Công ty cổ phần Công nghiệp ô tô; Công ty cổ phần Than Miền Nam.
TKV cũng thực hiện thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Cơ điện Uông Bí; Công ty cổ phần Địa chất và khoáng sản; Công ty cổ phần Đại lý hàng hải; Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam; Công ty liên doanh Khoáng sản Steung Treng; Công ty TNHH Vinacomin – Lào; Công ty cổ phần Vận tải thủy; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng; Công ty cổ phần Thiết bị điện Cẩm Phả; Công ty cổ phần Cơ khí Hòn Gai; Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Uông Bí; Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại than Uông Bí; Công ty cổ phần Đầu tư, thương mại và dịch vụ; Công ty cổ phần Du lịch và thương mại; Công ty cổ phần Xây lắp - môi trường; Công ty cổ phần Cơ khí mỏ và đóng tàu.
Nhiều đơn vị cũng sẽ được TKV giảm mức nắm giữ vốn điều lệ hoặc thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo công khai minh bạch, không làm mất vốn và tài sản của nhà nước.
Các đơn vị Công ty Than Hồng Thái sáp nhập vào Công ty Than Uông Bí; Công ty Kho vận Hòn Gai sáp nhập vào Công ty Tuyển than Hòn Gai; Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả sắp xếp, tổ chức lại và đổi tên thành Công ty Kho vận Cẩm Phả; Công ty Chế biến than Quảng Ninh sắp xếp, tổ chức lại thành Công ty Cảng và kinh doanh than; Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 và Công ty Xây dựng mỏ hầm lò II hợp nhất thành Công ty Xây lắp mỏ; Công ty Tư vấn quản lý dự án chuyển thành Ban Quản lý dự án chuyên ngành mỏ than; Ban Quản lý dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng, Ban Quản lý dự án Nhà máy Alumina Nhân Cơ, Ban Quản lý dự án Nhà máy Tuyển than Khe Chàm, Ban Quản lý dự án Nhà điều hành Vinacomin giải thể sau khi hoàn thành quyết toán đầu tư dự án; Văn phòng đại diện tại Campuchia chấm dứt hoạt động sau khi chuyển nhượng xong các dự án đầu tư của TKV tại Campuchia v.v...
Xem toàn bộ Quyết định 2006/QĐ-TTg tại đây.