Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn duy nhất phản ánh đúng quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy. Cho đến nay, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, là thế giới quan, phương pháp luận khoa học đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới; là “kim chỉ nam” cho hoạt động của các đảng cộng sản và công nhân trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột, bất công và xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.
Do bản chất khoa học và cách mạng nói trên, nên ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn bị các thế lực thù địch, phản động và cả thế giới tư bản chủ nghĩa tìm mọi phương cách, sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn xấu xa hòng phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo, công kích, đả phá rất quyết liệt. Càng về sau sự chống phá đó càng trở nên điên cuồng, quyết liệt với quy mô mang tính toàn cầu.
Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, nhưng với những thành tựu vĩ đại và có ý nghĩa của hơn ba mươi lăm năm đổi mới đã chứng minh con đường chúng ta đi là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều đó chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng những không lạc hậu mà còn có sức sống bền vững, giá trị trường tồn và chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được. Chỉ có những ai run sợ trước bản chất khoa học, cách mạng và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới cố tình xuyên tạc, không thừa nhận điều hiển nhiên nói trên.
Thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh hoạ |
Thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tuy có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn chung có mặt còn hạn chế. Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị chưa đồng bộ, hiệu quả; việc định hướng tư tưởng, phản bác các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet còn bị động; việc khai thác những lợi thế của thông tin điện tử, mạng xã hội… để tuyên truyền và phản tuyên truyền còn hạn chế.
Một bộ phận người dân mất cảnh giác khi tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trên internet, mạng xã hội. Công tác tuyên truyền, quảng bá những thành tựu của đất nước, những mô hình mới có hiệu quả, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực còn hạn chế, chưa đủ sức “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”... nên chưa hạn chế được những tác động tiêu cực của những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch.
Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ bản chất chống cộng, đang tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, mũi nhọn là tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong nội bộ
Thời gian tới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội toàn cầu và sự tuyên truyền, chống phá quyết liệt, tinh vi của các phần tử xấu, thế lực phản động, thù địch để thúc đẩy sự “tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ cũng như những vấn đề mới nảy sinh, những diễn biến phức tạp của những mâu thuẫn xã hội
Trong bối cảnh trên, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Để bảo vệ, phát triển và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần quan tâm thực hiện một số việc sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đảng viên về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Đây là giải pháp cơ bản, đồng thời cũng là yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay.
Cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa “bảo vệ” và “đấu tranh” trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là hai hoạt động cơ bản, gồm bảo vệ và đấu tranh, theo phương châm “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng của Đảng, trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước; còn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cơ bản, quyết liệt, hiệu quả, và suy cho cùng đây cũng chính là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tốt hơn.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề cốt lõi, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để cán bộ, đảng viên và nhân dân có thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, tự trang bị cho mình sức đề kháng tốt, phân biệt được đúng-sai để có hành động có ích cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Hai là, tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng. Qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong nội bộ và sự đồng thuận trong nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chính trị hiện nay; tạo sức đề kháng trong mỗi người Việt Nam trước sự tác động, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch.
Muốn phản bác có hiệu quả và mang tính chiến đấu cao, những người làm công tác tư tưởng, tuyên truyền không chỉ phải nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước, mà còn phải am hiểu tình hình đất nước và bằng lý lẽ, lập luận sắc bén để thuyết phục...
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng; các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về quyền thông tin, phạm vi thông tin khi tham gia các mạng xã hội.
Bốn là, cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên để có biện pháp giải quyết kịp thời. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội phải cụ thể, chính xác (về nội dung, đối tượng) để có biện pháp xử lý cụ thể. Tuyệt đối không được dựa vào “tin đồn” theo kiểu “nghe nói” mà không có chủ thể cụ thể.
Điều quan trọng là phải biết đối tượng chống phá là ai; nội dung, hình thức chống phá của họ là gì; âm mưu, thủ đoạn tiến hành của họ; đối tượng mà họ hướng tới là ai... Có như vậy thì chúng ta mới có đối sách đấu tranh phù hợp, hiệu quả.
Năm là, đối diện với kẻ thù tư tưởng được tổ chức khá chu đáo, được trang bị vũ khí lý luận và tư tưởng, khoa học công nghệ và phương tiện hiện đại, có âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, cần xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, chuyên trách tinh gọn, đủ mạnh, có trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật, am hiểu tình hình thực tiễn của đất nước, của thế giới, có tâm huyết, bản lĩnh, dũng khí và nghệ thuật đấu tranh, vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên. |