Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh trong hoạt động bưu chính được quy định tại Luật Đầu tư 2014, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định 43/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, danh mục này không liệt kê “hàng hóa không có chứng từ đi kèm” là hàng hóa cấm lưu thông, vận chuyển. Do đó, có thể hiểu rằng, các vật phẩm, hàng hóa không phải hàng cấm thuộc danh mục thì được phép tiếp nhận, vận chuyển.
Cục Hải quan TP HCM phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 4 bưu kiện, phát hiện và thu giữ tổng cộng khoảng hơn 9 kg ma túy tổng hợp, ngụy trang tinh vi trong những gói kẹo gum và túi treo bằng vải |
Song, cách hiểu này mâu thuẫn với Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP: Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, tại thời điểm kiểm tra không xuất trình hóa đơn, chứng từ thì được xem là hàng lậu. Doanh nghiệp bưu chính (bên vận chuyển) có thể bị “tịch thu phương tiện vận tải đối hành vi vi phạm mà tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên…” (khoản 3, Điều 15 Nghị định 98/2020 NĐ-CP).
Bên cạnh đó, điểm d khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập lậu là: “Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn”.
Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BQP-BCA lại quy định khác với Nghị định 185/2013/NĐ-CP về hàng hóa nhập lậu như sau: Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp ngay tại thời điểm kiểm tra.
Như vậy, cùng một vấn đề xác định hàng hóa nhập lậu đang có tới 2 quy định khác nhau dẫn đến cách hiểu và xác định về hàng hóa nhập lậu không được thống nhất. Ngoài ra, việc không xuất trình được chứng từ, hóa đơn ngay tại thời điểm kiểm tra có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Việc xuất trình chậm hoá đơn, chứng từ không có nghĩa là không có hoá đơn, chứng từ hay hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp.
Luật Bưu chính còn quy định nghiêm cấm: Chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi có nội dung kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước, chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Trong khi việc các bưu cục xác định các nội dung này của bưu gửi có vi phạm quy định trên hay không gần như là không thể và phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo bí mật thư theo quy định của pháp luật.
Những quy định này rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp bưu chính khi mà doanh nghiệp rất khó xác định các vật phẩm, hàng hóa được phép tiếp nhận, vận chuyển, các loại hóa đơn chứng từ nào phù hợp đi kèm hàng hóa. Đặc biệt, đối với các trường hợp gửi hàng hóa tặng cho, hàng hóa đã qua sử dụng mà người gửi không còn giữ chứng từ thì doanh nghiệp bưu chính sẽ khó khăn trong việc tiếp nhận.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính 2010 quy định rõ, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02kg thì phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Trường hợp doanh nghiệp cung ứng dịch vụ gói, kiện hoặc dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02kg… bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động bưu chính (Điều 25 Luật Bưu chính 2010).
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ gửi/nhận thư có địa chỉ nhân có khối lượng đơn chiếc đến 2kg, dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 2kg, dịch vụ kiện, gói… đang hoạt động mà không có giấy phép bưu chính hoặc không thông báo hoạt động bưu chính, không chịu sự quản lý, kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông như dịch vụ doanh nghiệp vận tải xe khách… Việc nhiều doanh nghiệp “không chuyên” vẫn đang hoạt động mà không có sự kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa, tài liệu sẽ rất dễ trở thành công cụ tiếp tay cho tội phạm vận chuyển hàng lậu, hàng cấm… Chưa kể, khi doanh nghiệp “không chuyên” hoạt động, quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giao dục gửi hàng không có phiếu gửi, không có hợp đồng, không có cam kết đảm bảo về trách nhiệm bồi thường; không có sự kiểm soát về giá cước dịch vụ… làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành bưu chính.