Chứng khoán Việt Nam biến động mạnh sau khi cơ quan quản lý và các cơ quan chức năng có những động thái quyết liệt trong xử lý các sai phạm, thanh lọc thị trường.
Các tổ chức đầu tư, tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân đều đánh giá động thái làm trong sạch thị trường dù khiến chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong ngắn hạn nhưng sẽ tích cực trong dài hạn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, giúp nâng hạng thị trường.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhìn nhận sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia.
Để có được thành công, vai trò quản lý giám sát của các cơ quan chức năng là rất quan trọng. Để thị trường phát triển ổn định và bền vững thì một trong những yếu tố tiên quyết là đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, tạo niềm tin cho tất cả các thành phần tham gia, đặc biệt là với nhà đầu tư.
Ông Tiến ủng hộ những hành động kịp thời, quyết liệt của các cơ quan quản lý và chức năng trong xử lý các vấn đề sai phạm thời gian qua. Điều này giúp cho nhà đầu tư càng có thêm niềm tin vào thị trường, tạo ra thêm nhiều sức hút đối với nhà đầu tư mới và là cơ sở để thị trường chứng khoán ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, các chuyên gia của Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital - quỹ đầu tư của Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn tại châu Á trên lĩnh vững đầu tư và quản lý tài sản - cho rằng vụ việc của Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu.
Tâm lý nhà đầu tư không mấy lạc quan từ một số sự kiện và thông tin không tích cực và đã có những nhịp giảm sâu trong thời gian gần đây. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn.
Dưới góc nhìn của đại diện quỹ đầu tư đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund, Chính phủ Việt Nam bắt đầu một cuộc thanh lọc trên thị trường chứng khoán. Kết quả là một tỷ phú và hai giám đốc điều hành công ty thao túng giá cổ phiếu đã bị bắt. Công ty trong câu chuyện này là Tập đoàn FLC hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Cũng bị bắt tạm giam trong thời gian qua là người sáng lập Tập đoàn Tân Hoàng Minh, một công ty bất động sản lớn chưa niêm yết có các hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, một số lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng bị khiển trách hoặc bị phạt, bị bắt giam do không thực hiện nhiệm vụ theo quy định và để xảy ra những nghi vấn về đạo đức.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư cá nhân Lưu Tuấn, việc hàng loạt những đối tượng thao túng thị trường chứng khoán bị khởi tố và đưa ra ánh sáng là điều chưa từng có trong lịch sử. Những nhà đầu tư, chủ tịch tập đoàn lọc lõi “lái,” thao túng chứng khoán vừa mới bị khởi tố, luôn tìm cách lấy tiền của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi giá cổ phiếu và thanh khoản đạt đỉnh, nóng hơn bao giờ hết, đó là lúc các “lái chứng khoán" để cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tự chơi với nhau, còn tiền đã chảy vào túi của họ trước. Nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Theo anh Tuấn, sự vào cuộc thanh lọc thị trường lần này là kịp thời vì nếu muộn hơn thì nhà đầu tư nhỏ lẻ càng mất nhiều tiền hơn.
Nhà đầu tư Trần Thị Thu Hà cho rằng Chính phủ đã tạo ra sân chơi, thu thuế, giám sát, bảo vệ doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Việc “răn đe” như vừa qua là rất cần thiết, nếu như làm sớm hơn nữa thì có lẽ thị trường hiện nay còn tích cực hơn.
Còn nhà đầu tư Nguyễn Đình Mạnh nhận định việc quan trọng nhất và ưu tiên trước tiên phải là cơ chế minh bạch công khai, chế tài quản lý sát sao, cụ thể để trách sai phạm. Tiếp đó là xử lý sai phạm quyết liệt nhưng vẫn phải “uyển chuyển” để không ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chung.
Dưới góc nhìn của ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ và chuyện xấu vẫn có thể xảy ra, ngay cả đối với các thị trường phát triển ở trình độ cao.
“Chúng tôi cần thể chế hiểu được sự năng động trên thị trường và tạo môi trường vững chắc và thuận lợi. Quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi một cách cách không công bằng," đại diện WB nêu quan điểm.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường.
“Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn. Hạ tầng phải hiệu quả, thân thiện với các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế. Chúng ta cần cân nhắc xử lý vấn đề hạn mức sở hữu của nước ngoài, không chỉ vì điều đó làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài mà còn vì nếu chứng khoán khan hiếm và nhà đầu tư không đa dạng thì chứng khoán đó càng dễ thao túng," ông Zafer Mustafaoglu nói./.