Theo đánh giá của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 đã có những bước tiến khởi sắc trên nhiều lĩnh vực như logistics, y tế, đào tạo, nông nghiệp… Đến nay, đã có những quỹ đầu tư, hệ thống cố vấn (mentor), không gian khởi nghiệp… từ các tập đoàn lớn quan tâm dành dành cho giới trẻ. Môi trường thể chế, chính sách cho KNST tại Việt Nam cũng đã có những bước thay đổi thích hợp.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn gặp nhiều rào cản, kém sức cạnh tranh, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, thiếu sự hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, hỗ trợ về tài chính từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, các thủ tục liên quan đến KNST còn phức tạp, chưa có hành lang pháp lý đặc thù cho những sản phẩm, dịch vụ mới ra đời từ hoạt động KNST, nguồn nhân lực công nghệ hoạt động KNST còn thiếu hụt...
Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học - công nghệ: Cơ chế đặc thù cho các nhà đầu tư cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ đề xuất được các tổ chức đầu tư, các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư, còn cá nhân đầu tư (nhà đầu tư thiên thần) thì chưa có cơ chế để khuyến khích.
Ảnh minh họa |
Ông Đàm Quang Thắng - Cố vấn Chương trình khởi nghiệp quốc gia, cho rằng, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cụ thể là điều kiện tiên quyết để hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, các doanh nghiệp KNST cũng như các nhà đầu tư cho KNST nói riêng hoạt động. Phải có những cơ chế, chính sách về KNST mang tính đặc thù, chuyên ngành (y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, tài chính…) để vừa quản lý Nhà nước một cách hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho KNST hoạt động, từ đó đưa ra được những ý tưởng kinh doanh mới có hiệu quả, những mô hình thử nghiệm mới có tính khả thi.
Để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ tiếp tục đề cao giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp về cả số lượng, quy mô và chất lượng, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, mới đây nhất (ngày 18/2/2020), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho KNST. Đây được coi là một "cú hích" mới rất quan trọng cho hoạt động khởi nghiệp năm 2020 và tiếp theo. Từ Chỉ thị này, các bộ, ngành... có liên quan có thể đề xuất với Chính phủ bổ sung các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù cho KNST hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Tại Chỉ thị 09/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính… thực hiện một loạt các giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ rào cản, vướng mắc, bổ sung cơ chế, chính sách tạo điệu kiện thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, bao gồm việc đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của quỹ đầu tư KNST tại Việt Nam; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; lựa chọn, hỗ trợ phát triển 3 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 trường đại học; kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp KNST; xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp KNST; hướng dẫn hạch toán kế toán cho doanh nghiệp đầu tư KNST, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư KNST; hỗ trợ tư vấn chính sách việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động cho các doanh nghiệp KNST; xây dựng thể chế cho các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới có tiềm năng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ hoạt động...
Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cơ quan có thẩm quyền tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thực hiện các thủ tục về đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp KNST trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, trong đó có việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký góp vốn, mua cổ phần...