Theo Thông tư, người bệnh có thẻ BHYT được chuyển tuyến khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.
Người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện hạng I, II thuộc huyện nơi người tham gia BHYT cư trú được xác định là đúng tuyến.
Thông tư nêu rõ, từ 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
Theo Bộ Y tế, đối với trường hợp cấp cứu, sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại các khoa của cơ sở khám, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh hoặc được chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn.
Việc sử dụng giấy chuyển tuyến đối với người có thẻ BHYT được Bộ Y tế nêu rõ như sau: Trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh khác chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Thông tư nêu rõ, giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký.
Trường hợp người có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp quy định (lao, phong, HIV/AIDS...) thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết năm dương lịch (ngày 31/12 năm đó). Trường hợp đến hết ngày 31/12 của năm đó, người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng hết đợt điều trị nội trú đó.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.