Tạo cơ chế đơn giản, thuận lợi cho phát triển cụm công nghiệp
Tin hoạt động 27/04/2023 12:54
Tháo gỡ nhanh cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì Hội nghị về Cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp |
Nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh sửa
Báo cáo tại Hội nghị về Cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) diễn ra sáng nay 27/4, ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương- cho biết, sau các hội nghị lấy ý kiến và đóng góp của các địa phương, Bộ ngành liên quan Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Dự thảo Nghị định) đã tiếp thu và chỉnh sửa.
Cụ thể với một số nội dung các địa phương quan tâm, góp ý: Về chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập/ mở rộng CCN, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, gồm 2 phương án. Phương án 1, tích hợp 3 nội dung (chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập/mở rộng CCN, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trong 1 quy trình “Thành lập/mở rộng CCN”. Phương án 2, thực hiện 3 thủ tục riêng biệt: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (trường hợp có 1 nhà đầu tư) theo pháp luật về đầu tư; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư (trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên) theo pháp luật đầu tư và pháp luật về đấu thầu ; thủ tục thành lập/mở rộng CCN.
Hội nghị về Cơ chế chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp |
Nội dung, thành lập/mở rộng CCN phải đáp ứng các điều kiện: Có trong danh mục các CCN trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện; có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp, được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
“Trong trường hợp địa bàn cấp huyện thành lập CCN thứ 3 trở lên thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các CCN đã thành lập đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các CCN nhỏ hơn 75 ha”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Về lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trong trường hợp có doanh nghiệp, hợp tác xã có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN, Dự thảo Nghị định quy định: Đối với CCN có doanh nghiệp, hợp tác xã có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN đáp ứng quy định tại Nghị định này thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như sau:
UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: Phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường CCN (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).
Doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm từ 50 trở lên được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Quyết định thành lập, mở rộng CCN (trường hợp có từ hai doanh nghiệp, hợp tác xã trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì giao doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm cao nhất).
Đóng góp từ các địa phương
Tại Hội nghị, địa diện nhiều địa phương đã phản ánh hiện trạng quản lý, phát triển CCN, đồng thời đưa ra những góp ý cụ thể cho Dự thảo Nghị định.
Sở Công Thương các địa phương đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
Với Thái Bình, ông Bùi Đức Thanh- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình- cho hay, những CCN do cấp huyện quản lý - khó thu hút đầu tư thứ cấp vì hạ tầng CCN chưa được đầu tư hoàn thiện. Ngoài ra, CCN được quy hoạch chủ yếu trên đất lúa, khó triển khai thực hiện do khó khăn trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng đó, điều kiện để thành lập mới, mở rộng CCN theo quy định phải đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 50% là rất khó, vì vậy cần có sự điều chỉnh phù hợp.
“Công tác giải phóng mặt bằng cũng nhiều khó khan, chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân bởi giá đền bù trong CCN thấp hơn ở ngoài CCN”, ông Bùi Đức Hạnh cho hay. Ngoài ra, CCN cho phép thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng không cho phép xây dựng nhà ở cho chuyên gia, người lao động nên rất khó khăn cho lưu trú của người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh.
Ông Phạm Khắc Nam- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh- đóng góp, trong Dự thảo Nghị định có quy định quyết định thành lập, quyết định mở rộng nhưng cần quy định thêm quyết định về điều chỉnh CCN, bởi đây là nội dung thường xuyên phải thực hiện trong quá trình phát triển CCN.
“Nội dung mở rộng, chuyển đổi CCN rất quan trọng với Bắc Ninh, địa phương có tới 20 CCN cần chuyển đổi do nằm trong khu dân cư. Với nội dung này cần bổ sung điều kiện có trong danh mục CCN được UBND phê duyệt, phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch khác có liên quan. Đồng thời, Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương triển khai thuận lợi”- ông Phạm Khắc Nam kiến nghị.
Khẳng định Nghị định 66, Nghị định 68 đã và đang tạo rất nhiều thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển CCN, nhưng để thuận lợi hơn, ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - cũng đề xuất, Sở Công Thương được giao là cơ quan đầu mối, tuy nhiên cần quy định rõ và cụ thể đầu mối nội dung nào và trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, trên cơ sở đó, địa phương có căn cứ thực hiện.
Sẽ tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình phê duyệt Dự thảo Nghị định
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân- nhấn mạnh, qua đóng góp ý kiến từ các địa phương có thể khẳng định Nghị định 68, Nghị đinh 66 có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, hai nghị định này vẫn bộc lộc một số hạn chế, vì vậy trong dự thảo nghị định này sẽ phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế và tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án trong CCN. Điều này sẽ được thể hiện qua việc rút gọn thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến chủ trương đầu tư. “Nhiều địa phương đã linh hoạt thực hiện nhưng vẫn cần quy định rõ ràng để tạo sự minh bạch, thuận lợi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kất luận Hội nghị |
Liên quan đến vấn đề đất đai, theo Thứ trưởng, cần cẩn trọng rà soát kỹ về đất đai khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự thảo Nghị định phân cấp phân quyền mạnh cho các địa phương nhưng việc chuyển đổi phải tuân thủ Luật Đất đai, đồng thời khai thác một cách hiệu quả việc sử dụng đất.
Về những phản ánh của các địa phương với điều kiện thành lập, quy mô CCN, Dự thảo Nghị định đã mở ra khá thông thoáng và tạo điều kiện cho địa phương. Trong điều kiện cần thiết có thể linh hoạt với chủ đầu tư.
“Câu chuyện xác định tài sản công ra sao và chuyển đổi như thế nào, Bộ Công Thương sẽ có bàn thảo với Bộ Tài chính để đưa ra các quy định chi tiết và cụ thể nhất”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm, những nội dung khác ban tổ chức sẽ tiếp thu, rà soát, tổng hợp và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất để trình các cấp có thẩm quyền.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Dự kiến thời gian hoàn thành Dự thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét thông qua là cuối quý II/2023. Thời gian không dài, chúng tôi mong muốn các địa phương tiếp tục gửi ý kiến đóng góp về Bộ Công Thương. |