Kết nối việc làm hiệu quả
Thống kê của TT DVVL Hà Nội, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, thành phố đã có hơn 4.000 đơn vị, doanh nghiệp (DN) với trên 160.000 lao động bị mất, thiếu việc do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh việc giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để người lao động vẫn có kinh phí sinh hoạt trong thời gian nghỉ việc bắt buộc, TT DVVL thành phố đón đầu nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các DN sẽ dần dần khởi sắc từ tháng 5 và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho người lao động trở lại làm việc.
Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường lao động, Trung tâm đã chủ động thu thập những thông tin liên quan đến các vị trí việc làm còn trống, lĩnh vực tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài thành phố, đồng thời phân tích, dự báo về xu hướng của thị trường để cung cấp cho các lao động đang có nhu cầu tìm việc. Đồng thời, trung tâm cũng duy trì hoạt động kết nối việc làm hiệu quả trên các nền tảng số trên website vieclamhanoi.net, fanpage… và sàn giao dịch việc làm truyền thống điểm giao dịch việc làm vệ tinh.
Tính đến cuối tháng 4/2020, Trung tâm đã nhận được đăng ký tuyển dụng của hơn 2.000 DN trên sàn giao dịch việc làm Hà Nội với số chỉ tiêu tuyển dụng trên 22.000. Trong thời gian qua, Trung tâm đã tư vấn, cung cấp thông tin cho trên 17.000 lượt lao động và kết nối việc làm thành công cho hơn 9.000 trường hợp. Nhờ lượng đăng ký tuyển dụng và nhu cầu việc làm này, các lao động thất nghiệp vẫn có cơ hội thử sức với những vị trí mới sau khi được tư vấn tại Trung tâm và trao đổi với cán bộ tuyển dụng của DN dưới các hình thức phỏng vấn online hoặc kết nối trực tiếp.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động
Bên cạnh việc duy trì hoạt động kết nối cung – cầu lao động, Trung tâm tổ chức tư vấn học nghề cho nhiều lao động thất nghiệp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và gia tăng cơ hội việc làm cho bản thân người lao động. Theo đó, 100% trường hợp đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm đều được tư vấn miễn phí về chính sách hỗ trợ học nghề. Đồng thời, Trung tâm còn phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố để đa dạng hoá danh mục đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học. Với chính sách hỗ trợ học nghề khoảng 1.000.000 đồng/người/tháng dành cho các lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), các lớp dạy pha chế đồ uống, nấu ăn, tin học văn phòng, lái xe… Nhờ đó, các học viên có thể nâng cao trình độ, tay nghề để nhanh chóng tìm được công việc mới có mức lương cao và ổn định hơn.
Để chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trở thành “điểm tựa” cho lao động thất nghiệp, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc TT DVVL thành phố Hà Nội – cho biết, dựa trên tình hình thực tế của hoạt động hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề tại Trung tâm thấy được số lượng lao động tham gia BHTN đăng ký học nghề thấp hơn so với số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với mức hỗ trợ không quá 1 triệu đồng/tháng trong thời hạn không quá 6 tháng hiện nay, không chỉ khó khăn cho các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo những ngành nghề có tính chuyên môn cao hay những ngành nghề mà thị trường đang thiếu mà còn vô tình tạo tâm lý e dè của chính lao động thất nghiệp ngay cả khi họ có nhu cầu học nghề mới để chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Trước tình hình đó, Chính phủ nên xem xét và có những chính sách hỗ trợ người lao động tham gia các khóa học dài hơn với mức hỗ trợ cao hơn để người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.