Thị trường rộng lớn cho hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than
Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do TS. Phan Đăng Phong làm chủ nhiệm đề tài.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí báo cáo kết quả đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” |
Đây là một trong các đề tài thuộc Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” do Bộ Công Thương và Viện Nghiên cứu Cơ khí ký kết thực hiện.
Mục tiêu của đề tài đó là làm chủ thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW; thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành 01 hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW; nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, tư vấn, vận hành... cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong nước.
Chia sẻ về tính cấp thiết của đề tài này, TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, Việt Nam có thị trường rộng lớn cho hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII). Theo đó, đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 75.000 MW, sản xuất khoảng 394 tỷ kWh chiếm 56,4% sản lượng điện sản xuất.
“Trong 10 năm (2013-2023), tại Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 70 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 37.240 MW, trong đó có 44 tổ máy nhiệt điện than công suất 600 MW” - TS. Phan Đăng Phong thông tin.
Tổng vốn đầu tư cho nhà máy điện do các chủ đầu tư trong nước thực hiện có thể lên tới 43,5 tỷ USD. Trong tổng số vốn đầu tư đó, vốn đầu tư cho các thiết bị nhà máy điện ước tính sẽ lên tới 32,7 tỷ USD, với chi phí cho các thiết bị chính khoảng 24,5 tỷ USD (tua bin, máy phát, lò hơi), còn lại 8,2 tỷ USD là cho các thiết bị phụ trợ trong đó có hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than.
“Như vậy, nhu cầu cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam rất lớn” - TS. Phan Đăng Phong nhận định, đồng thời chia sẻ, theo khoản 3 Điều 1 Quyết định 1791/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025”, hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than là 1 trong 11 hạng mục thiết bị phải được nội địa hóa trong nước cho 03 dự án Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1, Quỳnh Lập 1.
Minh chứng cho năng lực nghiên cứu trong nước
Theo Viện trưởng Viện Nghiên Cứu cơ khí, đối với tất cả các thiết bị thuộc hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho một nhà máy nhiệt điện, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã tích lũy được một số kinh nghiệm thông qua các thiết kế từ nước ngoài, cung cấp phụ tùng thay thế và sửa chữa bảo dưỡng các hệ thống hiện có tại các nhà máy nhiệt điện.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể làm chủ được việc thiết kế và chế tạo đồng bộ một hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện than vì các lý do sau: Các tài liệu tính toán thuộc dạng bí quyết công nghệ của các hãng cho nên rất khó tiếp cận hoặc tìm kiếm từ các nguồn khác nhau; chưa có đề tài nghiên cứu đi sâu vào lĩnh vực nội địa hóa các thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than; đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu và còn yếu.
Do vậy, việc làm chủ tính toán thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến 600MW ở nước ta là cần thiết và sẽ đem lại lợi ích to lớn về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy ngành cơ khí nước ta phát triển, góp phần thực hiện thành công chương trình thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1791.
Đến nay, đề tài đã hoàn thành đầy đủ số lượng, chủng loại, chất lượng các sản phẩm khoa học và công nghệ theo đăng ký. Trong đó, bao gồm các sản phẩm có thể sử dụng cho các đơn vị chế tạo, lắp đặt và vận hành hệ thống bốc dỡ vận chuyển than của nhà máy nhiệt điện đốt than.
Cụ thể gồm: Sản phẩm khoa học và công nghệ dạng I: Hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than công suất đến khoảng 600MW một tổ máy đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn Việt Nam và đã được chủ chủ đầu tư nghiệm thu chấp thuận.
Sản phẩm khoa học và công nghệ dạng II: 01 bộ tài liệu tính toán, thiết kế và công nghệ chế tạo hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than công suất đến 600 MW; 01 bộ tài liệu thiết kế chế tạo các thiết bị được nội địa hóa của hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than; 01 bộ tài liệu quy trình công nghệ chế tạo thiết bị được nội địa hóa; 01 bộ tài liệu quy trình hướng dẫn lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hệ thống…
“Các sản phẩm này đáp ứng các yêu cầu đặt ra của chủ đầu tư, các tiêu chuẩn thiết kế của Việt Nam và có tính khả thi cao” - TS. Phan Đăng Phong nói, đồng thời nhấn mạnh, kết quả đạt được của đề tài đã minh chứng cho khả năng của các đơn vị trong nước với đội ngũ khoa học kỹ thuật với trình độ ngày càng được nâng cao và luôn nỗ lực học hỏi về công nghệ mới.
Đề tài đã hoàn thành với tỷ lệ nội hóa trên 51%, còn có thể tăng hơn nữa ở dự án thứ hai, và đạt hơn 70% từ dự án thứ ba, đảm bảo mục tiêu mục tiêu nội địa hóa theo Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí: Để tiếp tục nhân rộng mô hình với các dự án tương tự rất cần một cơ chế để bảo vệ thị trường từ Chính phủ cho các đơn vị cơ khí trong nước như quy định tỷ lệ trong nước thực hiện tối thiểu 50% với các dự án nhiệt điện được đầu tư tại Việt Nam. |