Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong quý I và năm 2022 của Mỹ đang tối dần do làn sóng Omicron và lạm phát leo thang tại nước này.
Theo khảo sát của tờ Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế trong tháng này đã giảm hơn một điểm phần trăm kỳ vọng tăng trưởng trong quý đầu tiên, xuống mức 3% cơ sở hàng năm, so với mức 4,2% trong cuộc khảo sát hồi tháng 10.
Sự kết hợp của lạm phát tăng cao, những hạn chế trong chuỗi cung ứng và biến thể Omicron lây lan nhanh chóng đã khiến các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2022 xuống 3,3% từ mốc dự báo 3,6% cách đây 3 tháng. Năm ngoái, sản lượng kinh tế ước tăng 5,2%.
Các nhà kinh tế cũng cho biết hệ thống tài chính của nước này cũng phải đối mặt với những thử thách lớn khi sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, có nguy cơ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động và căng thẳng chuỗi cung ứng khi nhân viên bị nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lại đang phải chịu áp lực từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc kiềm chế lạm phát – vốn đã tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ.
Lynn Reaser - Nguyên nhà kinh tế trưởng tại Bank of America và hiện là chuyên gia của Đại học Point Loma Nazarene (Mỹ) - đánh giá: "Nền kinh tế đang ở một bước ngoặt lớn về việc liệu kỳ vọng lạm phát có bắt đầu ăn sâu vào tâm trí của các công ty, người tiêu dùng và người lao động hay không."
Đại dịch đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng tồn đọng hàng hoá và khiến giá cả tăng cao. Nhiều công ty đang tìm kiếm các giải pháp dài hạn để đối phó với các cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trong tương lai, ngay cả khi các giải pháp này vô cùng đắt đỏ.
Lạm phát xoắn ốc có thể buộc ngân hàng trung ương phải mạnh tay nâng lãi suất ngắn hạn - gây nguy cơ suy thoái. Năm 2020, khi đại dịch khi đại dịch bắt đầu tấn công nền kinh tế Mỹ, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và bắt đầu mua trái phiếu để hạ lãi suất dài hạn, gây ra biến động thị trường tài chính và suy thoái ngắn hạn.
Trong khi thị trường lao động đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, các nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương có nguy cơ không tăng lãi suất đủ nhanh để theo kịp với mức giá cả. Lạm phát - phần lớn đã ổn định ở mức thấp kể từ cuộc suy thoái 2007-2009 - đã tăng mạnh kể từ mùa xuân năm ngoái khi nhu cầu tăng cao trong khi chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn vì Covid-19.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo giá tiêu dùng, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7% trong tháng 12 so với cùng kỳ 2020, và tăng từ mức 6,8% của tháng 11. Đây là tăng mức nhanh nhất kể từ năm 1982 và tháng thứ ba liên tiếp vượt quá 6%.
Các chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ ở mức trung bình 5% vào tháng 6, tăng đáng kể so với mức 3,4% mà họ dự báo năm ngoái. Đến cuối năm nay, lạm phát có thể hạ nhiệt xuống còn 3,1%, nhưng vẫn cao hơn so với dự báo trước là 2,6%.
Lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp đồng nghĩa với việc các nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ sớm bắt đầu tăng chi phí đi vay. Gần hai phần ba chuyên gia trả lời khảo sát của Wall Street Journal dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 15-16/3 tới và tiếp tục nâng lãi suất trong suốt cả năm. Hơn một nửa chuyên gia dự báo Fed sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm nay trong khi số còn lại kỳ vọng Fed sẽ tăng hơn 3 lần.
Trong khảo sát hồi tháng 10, chỉ có 5% chuyên gia cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 và hơn 40% dự kiến không tăng lãi suất nào vào năm 2022.
Việc lạm phát tăng cao sẽ đẩy những người tiêu dùng – đóng góp 69% GDP của nước này – đối mặt với sự không chắc chắn trong đại dịch. Hiện nay, hàng trăm nghìn hộ gia đình ở Mỹ đang coi các trợ cấp của chính phủ như tín dụng trẻ em là nguồn thu nhập của gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của nền kinh tế.
Cùng với đó, lo ngại về nguồn cung hạn chế vẫn là một thách thức trong triển vọng. Tắc nghẽn dự kiến tiếp diễn một phần, do chiến lược không khoan nhượng của Trung Quốc để chống lại đại dịch. Điều này đã dẫn đến sự gián đoạn tại các cảng và nhà máy.
James Knightley - Nhà kinh tế quốc tế trưởng tại ING - nhận định: "Giá cước vận chuyển vẫn ở mức cực cao, lượng hàng tồn đọng tại cảng vẫn còn đáng kể, chính sách zero-covid ở châu Á là một hạn chế lớn trong khi việc tích lũy hàng hóa lại diễn ra ở Mỹ. Điều đó có nghĩa là nhu cầu có thể tiếp tục vượt xa nguồn cung sẵn có trong thời gian tới."
Hơn một nửa số nhà kinh tế dự đoán sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa cuối năm nay. Một phần ba số nhà kinh tế tham gia khảo sát lo ngại cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng này sẽ tiếp tục cho đến năm 2023 hoặc muộn hơn.