''Gỡ nút thắt'' cho đầu tư tư nhân để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam có khả năng về đích GDP ở mốc 6,5% |
Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III/2024 và 9 tháng đầu năm. Trình bày báo cáo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến khó lường.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày báo cáo kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm (Ảnh: NH) |
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Về sử dụng GDP quý III/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III/2024 và 9 tháng đầu năm (Ảnh: NH) |
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 trong tháng 9/2024 nên tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 tăng 3,20%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,73%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chín tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm.
Các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng năm 2024 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,78 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,80%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.
Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm đạt được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, bước sang quý IV/2024, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất định. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là vô cùng thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm 2024 như mục tiêu đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị, Chính phủ cần kiên định thực hiện các mục tiêu tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế, trong đó cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ổn định thị trường, theo dõi chặt chẽ diễn biến các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cùng với đó, Việt Nam cần có những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.