Tăng trưởng GDP quý 2 dự báo đạt 5,6% |
Đánh giá về tổng quan kinh tế vĩ mô quý I/2017, TS. Đặng Đức Anh - Ban Phân tích dự báo (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia) - cho rằng: Tăng trưởng kinh tế quý I/2017 chỉ đạt 5,10%, thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ của các năm 2015 và 2016 với lần lượt là 6,12% và 5,48%. Nguyên nhân là do, trong quý I, các yếu tố tiêu cực lấn át yếu tố tích cực. Cụ thể, nhập siêu có xu hướng cao hơn kế hoạch, ở mức 4,3%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 12,4%, thấp hơn so với cùng kỳ; lạm phát có nguy cơ tăng trở lại và cả năm khó kiềm chế ở mức 4% như Quốc hội yêu cầu.
Cũng theo TS. Đặng Đức Anh, hai nhân tố đóng góp làm suy giảm tăng trưởng là công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm do quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo dù có tăng trưởng nhưng mức tăng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này một phần do sự điều chỉnh kế hoạch sản xuất của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.
Dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô quý 2/2017, TS. Đặng Đức Anh cho biết, hiện trong nước niềm tin kinh doanh đã ổn định, hơn 50% DN cho biết quý II có đơn hàng cao hơn quý đầu năm. Trong quý này, đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực FDI sẽ có khởi sắc với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, về tiêu cực, trong quý II ngành nông nghiệp dự báo vẫn chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng suy giảm, đồng thời giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách không kỳ vọng có sự đột biến. Từ những phân tích trên, TS Đặng Đức Anh cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý II sẽ khả quan hơn quý I, song vẫn chỉ đạt khoảng 5,6% và dự báo cả năm đạt từ 6,2-6,5%.
Mặc dù mức tăng trưởng dự báo đạt được thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu 6,7% mà quốc hội đưa ra, song các chuyên gia vẫn cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng từ 6,2-6,5% là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang chịu ảnh hưởng của sự kiện Brexit và các chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tác động đến tỷ giá và tình hình xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,2- 6,5% trong năm 2017, Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm tạo lập niềm tin với nhà đầu tư và cộng đồng DN; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như chương trình hành động thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017- 2020.