Tăng trưởng kinh tế sẽ tác động tới phát triển du lịch thế giới
Theo Báo cáo, dẫn kết quả khảo sát Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho hay, năm 2019 dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,7%. Đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì đối với các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á vì vậy có thể thúc đẩy sự phát triển du lịch.
Ngoài ra, về đối tượng khách du lịch, tầng lớp trung lưu với khả năng chi tiêu ngày càng cao ở các thị trường mới nổi khiến thị trường nguồn du lịch quốc tế ngày càng đa dạng hơn; khả năng kết nối thuận tiện, mức giá du lịch ngày càng phù hợp, sự đổi mới, sáng tạo của dịch vụ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của du lịch thế giới.
Thị trường khách du lịch Trung Quốc dự báo có khả năng phát triển chậm lại, do kinh tế khó khăn và trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại Trung – Mỹ |
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng nhận định - du lịch thế giới 2019 sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm lại. Cụ thể, khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2019 sẽ tăng khoảng 3-4%, tương đương mức trung bình trong giai đoạn 2008-2018 là 4,2%, thấp hơn mức tăng 5,6% năm 2018. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có mức tăng trưởng cao nhất (5-6%), tiếp theo là Trung Đông (4-6%), châu Phi (3-5%), châu Âu (3-4%), châu Mỹ (2-3%).
Tuy nhiên, thách thức phía trước đối với du lịch thế giới lại không ít. Xu hướng tăng trưởng kinh tế tiếp tục nhưng không mạnh mẽ như các năm trước; rủi ro ảnh hưởng đến phát triển kinh tế có thể đến từ những căng thẳng thương mại toàn cầu; chính sách thắt chặt tiền tệ, sự phát triển chậm hơn của các nền kinh tế châu Á.
Đặc biệt, thị trường khách du lịch Trung Quốc dự báo có khả năng phát triển chậm lại, do kinh tế khó khăn và trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại Trung - Mỹ. Các nước trong khu vực ASEAN cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, thông qua các chính sách đầu tư xúc tiến, phát triển sản phẩm, kết nối hàng không, visa thông thoáng.
Đan xen cơ hội và thách với du lịch Việt Nam
Trong bối cảnh đó, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho hay, du lịch Việt Nam sẽ đan xen các cơ hội và thách thức. Theo đại diện Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam vẫn có thể có mức tăng cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, nhưng ở mức thấp hơn so với các năm trước do bối cảnh, xu hướng quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn thời kỳ trước sau 3 năm tăng trưởng cao liên tục, khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ trăng trưởng cao.
Sức chứa tại một số trung tâm du lịch vào một số thời điểm vượt quá giới hạn đang ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam |
Điểm mạnh hiện có của du lịch Việt Nam là đang được Đảng, Nhà nước hết quan tâm, hỗ trợ về mặt chính sách; sự nỗ lực không ngừng của từng địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất về dịch vụ du lịch; năng lực vận tải hàng không, đường bộ, đường thủy của Việt Nam được nâng cao, cải thiện.
Mặt khác, sự liên kết chặt chẽ hơn trong ASEAN khiến dòng khách trong khu vực có xu hướng tăng; khách du lịch từ Bắc Mỹ và châu Úc ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Đối với hầu hết thị trường, hình ảnh du lịch Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn hơn do các hoạt động xúc tiến, quảng bá; sự gần gũi và chính sách thị thực nhập cảnh ngày càng thuận lợi.
Tuy nhiên, điểm yếu của du lịch Việt Nam phía trước chính là mức tăng trưởng trong 3 năm qua khiến cho năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch vào một số thời điểm vượt quá giới hạn. Gây ra tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh, không an toàn; kiểm soát giá không chặt chẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, những xung lực tạo ra dư địa phát triển mới hình thành tại các địa bàn trọng điểm, phụ cận có thể chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững; chính sách, hoạt động quản lý du lịch chưa thực sự linh hoạt, hiệu quả, tính kết nối đồng bộ chưa cao.
Trước khó khăn đó, theo Báo cáo, năm 2019, lượng khách quốc tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn so với mức tăng của năm 2018 (19,9%), tuy nhiên sẽ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới là 3-4% và khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 5-6%.
Về thị trường khách, Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục là hai thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam, tuy nhiên tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc sẽ chững lại, khó có thể đạt mức cao như năm 2017, 2018. Riêng thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Úc, Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng tích cực; thị trường Tây Âu và Mỹ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Còn với thị trường du lịch nội địa, theo Báo cáo dự báo sẽ tiếp tục sôi động, tốc độ tăng trưởng dự báo đạt khoảng 6,5-8,5%, tổng thu từ khách du lịch dự báo tăng khoảng 10-20% so với năm 2018.
Báo cáo thường niên du lịch là tài liệu quan trọng được công bố hàng năm nhằm giới thiệu toàn diện những kết quả, hoạt động trọng yếu trong năm, cũng như dự báo xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và thế giới. |