Năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, và được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng 3 trong top 10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Vì nếu tính trong 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018), du lịch Việt Nam tăng 30%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình 7% của thế giới.
Cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách |
Nếu chỉ nhìn vào những con số này thì rõ ràng bức tranh du lịch Việt Nam tràn gam màu sáng, nhưng theo khảo sát của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2018, doanh thu của ngành này khoảng 620 nghìn tỷ đồng, đóng góp 7,5% vào GDP; tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của Việt Nam chiếm khoảng 4,5% tổng giá trị xuất khẩu. Nếu so với tỷ trọng đóng góp vào GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của một số nước trong khu vực như Campuchia 28,3%, Lào 26,5%... thì đóng góp của ngành công nghiệp không khói Việt Nam quá nhỏ.
Ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao Boston Consulting Group, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh - cũng nhận định, so với các nước trong khu vực, doanh thu từ khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao. Ông John Lindquist dẫn chứng, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Rõ ràng, số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ 96 USD mỗi ngày, trong khi ở Thái Lan là 163 USD.
Đáng ngại hơn, tiền chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu để thuê phòng lưu trú và ăn uống, chiếm khoảng 60%; chi cho mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ 20%, thì ở Thái Lan chi phí cho hoạt động này chiếm 60-70%...
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn". Theo đề án này, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo; ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị.
Nhiều chuyên gia du lịch quốc tế khuyến nghị, Việt Nam nên cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách, từ đó mới có thể chọn sự tăng trưởng cho du lịch một cách bền vững. Đồng thời, phát triển các chính sách quảng bá để thu hút các nguồn đầu tư du lịch dài hạn... |