Các chuyên gia “hiến kế” cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá |
Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ/2022/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó quy định xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến Quyết định này, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam bày tỏ, hiện nay chiến lược phát triển ngành, chiến lược cải cách thuế bằng Quyết định 508 của Chính phủ là một chủ trương đúng và cũng cần thiết.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh, tác động của xung đột Nga- Ukraine như hiện nay, Nhà nước nên giãn ra thời gian áp dụng để các doanh nghiệp có thời gian phục hồi lại sau khó khăn và khi hoạt động của doanh nghiệp ổn định trở lại thì lúc đó mới thực hiện tăng thuế. Như vậy thì nó có lợi cho cả nhà nước và doanh nghiệp.
“Về lộ trình điều chỉnh tăng, tôi nghĩ là cần phải đánh giá, xem xét điều kiện thực tế hiện nay và có một lộ trình phù hợp để doanh nghiệp phát triển ổn định. Chúng tôi kiến nghị nên áp dụng sau năm 2025 bởi lúc đó ngành phát triển ổn định và đưa chính sách mới vào sẽ phù hợp”- ông Việt đề xuất.
Cũng như ông Việt, ông Lê Viết Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam nêu quan điểm: Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp hiện nay. Bởi khi thuế tăng, giá thành sản xuất cũng tăng lên. Do đó, việc tăng thuế này nên kéo giãn ra đến thời diểm khác hoặc Chính phủ phải tính toán phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
“Để có được lộ trình tăng phù hợp nhất, các ban, ngành phải phân tích những nguyên nhân và những cơ hội, có con số thống kê cụ thể về kết quả ngành đã làm được, từ đó mới phân tích ra được lộ trình thích hợp. Điều này phụ thuộc vào chính trị, phụ thuộc vào nền kinh tế, hồi phục sớm thì chúng ta sẽ có những cái cơ hội tăng được sớm hơn”- ông Thắng nói.
Tương tự, trong lĩnh vực thuốc lá - việc tăng thuế đột ngột được cho là sẽ dồn ép việc buôn lậu gia tăng, tiêu dùng sản phẩm bất hợp pháp lại gây ra tình trạng thất thu thuế… Cụ thể, theo đại diện của công ty JTI Vietnam - một doanh nghiệp trong ngành thuốc lá, các công ty FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ gặp khó khăn khi việc tăng thuế không được hoạch định dài hạn. Các doanh nghiệp cần nhìn trước kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực trong vòng 2-3 năm tới, để có thể thiết lập các chiến lược đầu tư trong tương lai được đúng hướng, nhằm giảm các rủi ro đến tình hình chung của thị trường, nhà nước, cũng như các vấn nạn trong xã hội.
“Chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính có kế hoạch ban hành các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt có lịch trình dài hơi hơn và thời gian hiệu lực quy định không bị quá đột xuất. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị và chủ động được trong việc điều chỉnh các kế hoạch trong tương lai, góp phần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn tại Việt Nam. Hơn nữa, cũng nhằm hỗ trợ Chính phủ dự đoán tốt hơn các khoản thu thuế trong nhiều năm và duy trì sự ổn định của thị trường” - đại diện JTI Vietnam cho biết.
Trên thực tế, theo TS Nguyễn Văn Hiến - Chuyên gia kinh tế, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải cân nhắc kỹ do khi tăng thuế đồng nghĩa với mặt bằng giá sản phẩm cũng sẽ tăng lên cao hơn so với các nước trong khu vực. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ nhập lậu những mặt hàng liên quan. Như vậy thì việc tăng thuế sẽ không có ý nghĩa.
TS Nguyễn Văn Hiến dẫn chứng: Điển hình như với mặt hàng thuốc lá, ở Việt Nam hoạt động phòng chống buôn lậu với mặt hàng này rất khó và phức tạp. Nguyên nhân là do Việt Nam có đường biên giới dài, cả trên đường bộ và đường thủy, trong khi đó hoạt động buôn lậu thuốc lá lại nhỏ lẻ và du kích. Ví dụ như những người dân tại khu vực biên giới, họ buôn lậu vài bao, vài chục bao… nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Do vậy, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng này phải tính tới khả năng phòng chống buôn lậu.
Thứ 2, hiện các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, rượu, bia đang đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước nên cần phải xây dựng lộ trình tăng phù hợp để doanh nghiệp đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh, tránh ảnh hưởng tới ngân sách. “Bộ Tài chính nên xây dựng lộ trình tăng theo từng bước một để xem phản ứng của thị trường. Đồng thời doanh nghiệp sản xuất cũng phải tham gia vào quá trình ngăn chặn, phòng chống tiêu thụ hàng lậu”- TS Nguyễn Văn Hiến nêu quan điểm.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Thuế tiêu thụ đặc biệt nên đánh vào mặt hàng rượu, bia, thuốc lá là rất hợp lý song chúng ta nên có lộ trình và minh bạch. Ví dụ như tăng trong giai đoạn nào, tăng bao nhiêu, đến năm nào tăng lên bao nhiêu %, giống như lộ trình của bảo hiểm xã hội, đóng trong bao nhiêu năm sẽ nghỉ hưu, và khi nghỉ hưu thì sẽ hưởng bao nhiêu %. Và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần có lộ trình cụ thể công khai luôn 15 năm hay 20 năm để doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch kinh doanh và góp phần bảo vệ ngân sách Nhà nước. |