Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 có sự kiện gì hấp dẫn? An Giang quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng |
Thay đổi mẫu mã, bao bì theo thị hiếu người tiêu dùng
Tại Cà Mau, Hợp tác xã Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, đang tập trung cải thiện quy trình sản xuất sản phẩm OCOP cũng như đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì theo hướng thân thiện với môi trường, hình ảnh trên bao bì mang đặc trưng riêng của từng sản phẩm. Theo đại diện của Hợp tác xã Tân Phát Lợi, đối với sản phẩm bánh phồng cua, tuy mới có mặt trên thị trường vài năm nay nhưng nhờ chất lượng, mẫu mã đẹp nên được khách hàng đón nhận. Đặc biệt, khi thiết kế bao bì sản phẩm, yếu tố đầu tiên được hợp tác xã quan tâm là vật liệu phải thân thiện với môi trường. Do vậy hợp tác xã đã chọn những vật liệu giấy, thuỷ tinh hoặc nhựa đạt chất lượng theo quy định, nên sản phẩm làm ra bảo quản được lâu và tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Ngoài Hợp tác xã Tân Phát Lợi thì nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp khác tại Cà Mau cũng đang chú trọng nhiều hơn tới mẫu mã, bao bì của sản phẩm để tăng thu hút với khách hàng.
Theo số liệu của UBND tỉnh Cà Mau, tới nay địa phương này đã cấp chứng cho 128 sản phẩm OCOP và chủ yếu tập trung ở cấp 3, 4 sao. Những sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều tìm được chỗ đứng nhất định nhờ cách làm độc đáo, sáng tạo nói trên.
Còn tại Tiền Giang, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho biết: Từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, Tiền Giang đã có 174 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 95 sản phẩm 4 sao và 79 sản phẩm 3 sao; ngoài ra có 5 sản phẩm đang được tỉnh đề nghị 5 sao. “Sau khi được đánh giá, xếp hạng, nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã mở rộng được thị trường, được các đơn vị bán lẻ có hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Doanh thu tăng đáng kể và đang khẳng định được vị thế trên thị trường”- ông Phi chia sẻ.
Được biết, để tạo sức hút cho các sản phẩm OCOP, mỗi chủ thể, hợp tác xã tại Tiền Giang đã và đang chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, hợp tác với các nhà bán lẻ để đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Điển hình như cuối tháng 8/2023 hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã của Tiền Giang đã tham gia xúc tiến giới thiệu sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh; đồng thời ký kết các biên bản ghi nhớ với những đơn vị bán lẻ lớn của thành phố như Saigon Co.op, Satra…
Theo ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất kinh doanh HK Green, việc tiếp cận trực tiếp với kênh phân phối hiện đại giúp doanh nghiệp biết những điểm hạn chế của sản phẩm để khắc phục đúng với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó cải thiện nhằm tăng sức hút cho sản phẩm.
Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP ngoài đảm bảo chất lượng cho sản phẩm còn đang thay đổi mẫu mã, bao bì để thu hút khách hàng |
Tiếp tục đổi mới để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP với hơn 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Tuy vậy, theo đánh giá của ngành Công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động đầu tư đổi mới để nâng chất cho sản phẩm thì vẫn còn những sản phẩm loay hoay tìm đầu ra. Điều này xuất phát từ quy mô sản xuất của các chủ thể, hợp tác xã còn nhỏ, nhiều sản phẩm có tính mùa vụ nên không đáp ứng được đơn hàng lớn.
Trong bối cảnh đó, để góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, các địa phương cho biết, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.
Thực hiện theo cách làm này, doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP đã và đang hợp tác cùng các điểm du lịch để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Khảo sát của ngành Công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nhiều đơn vị sau thời gian triển khai đã gặt hái những thành quả nhất định và cho biết sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này.
Đơn cử như ở Long An, Công ty CP TM-ĐT Chanh Việt là một ví dụ khi đang thực hiện mô hình du lịch gắn với sản phẩm OCOP của địa phương. Theo đó, để đưa các sản phẩm OCOP địa phương đến người tiêu dùng, doanh nghiệp đã xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với các đặc sản, sản phẩm OCOP. Cùng với trưng bày các sản phẩm OCOP như bột chanh Chavi, nước cốt chanh nguyên chất Chavi, vỏ chanh sấy Chavi, đông trùng hạ thảo khô… doanh nghiệp còn kết hợp phát triển được cùng lúc nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, góp phần thu hút du khách. “Với mô hình này, hiện khách hàng tới đây cứ 10 người sẽ có khoảng 7 - 8 người mua sản phẩm, vì khi xuống khách hàng nhận thấy những giá trị sản phẩm mà công ty đang làm” - ông Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM-ĐT Chanh Việt chia sẻ.
Trong kế hoạch sắp tới, để duy trì và phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP, ngành Công Thương các sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cũng như có các định hướng phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP theo hướng tạo ra sự khác biệt và tăng cường sức hút với người tiêu dùng.