Chủ nhật 11/05/2025 20:14

Tăng sức hút cho du lịch biển Việt Nam

Phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm. Đồng thời, không chỉ dừng ở vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, hệ thống các đảo vùng ven biển Việt Nam còn giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với chính trị, an ninh quốc phòng.

Thế mạnh của du lịch Việt

Với lợi thế đường bờ biển dài cùng 125 bãi biển trong đó nhiều địa điểm được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh, là 1 trong 12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới, du lịch biển nhiều năm qua luôn là thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam.

Du lịch biển Việt Nam có nhiều ưu thế để thu hút khách thời gian tới

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hiện một số đảo lớn đã khai thác hoạt động du lịch như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Cát Bà... và một số đảo nhỏ ven bờ cũng đã có hoạt động du lịch phát triển như đảo Hòn Tre (Khánh Hòa), đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)...

Đặc biệt, Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là những đảo có hoạt động du lịch nổi bật nhất. Đây là 2 đảo được đầu tư bài bản với định hướng đúng đắn về phát triển hạ tầng cũng như sản phẩm, dịch vụ du lịch, vì lẽ đó cả hai đảo đã đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định được vị trí, vai trò trong phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa Vũng Tàu.

Không chỉ dừng ở quy mô cấp tỉnh, Phú Quốc và Côn Đảo còn đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam những giải thưởng giá trị như: Giải thưởng khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới năm 2018 dành cho Sixsence Côn Đảo; Giải thưởng khu nghỉ dưỡng villa hàng đầu thế giới năm 2019 dành cho Premier Village Phú Quốc. Những giải thưởng danh giá này đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Du lịch (TAB) - nhận định, so với các nước khác trong khu vực, du lịch biển Việt Nam có nhiều ưu thế để thu hút khách. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, du khách quốc tế đều lựa chọn Việt Nam là điểm đến của du lịch biển, trong đó, nhiều đoàn khách quốc tế đến từ châu Âu như Nga thường có kỳ nghỉ kéo dài 3-4 tuần để tắm nắng, thưởng thức biển tại Việt Nam.

Một yếu tố khác làm tăng sức hấp dẫn của du lịch biển Việt Nam chính là sự lột xác của cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ. Như tại Phú Quốc đã có những khu vui chơi, giái trí đẳng cấp quốc tế để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. “Trước đây sản phẩm đơn điệu, thì nay nhiều nơi đã có thêm sản phẩm để kéo du khách quay trở lại nhiều hơn, ở lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn”- ông Chính cho hay.

Du khách trải nghiệm dịch vụ trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà

Vào mùa cao điểm du lịch hè, theo ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc Marketing TST tourist - cho hay, tour biển đảo luôn là dòng sản phẩm đắt khách của các hãng lữ hành; các hãng lữ hành không ngừng tạo ra những tour với hành trình hấp dẫn, giàu trải nghiệm để phục vụ du khách. “Có trên 60% tour biển đảo được du khách chọn trong dịp hè, vì vậy đây là tài nguyên cần có sự đầu tư, khai thác một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới, nhằm phát triển du lịch Việt Nam cạnh tranh, bền vững”- ông Mẫn nói.

Không chỉ tăng sức hút cho du lịch Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính nêu ví dụ, tiêu, nước mắm, ngọc trai Phú Quốc trước đây ít được biết đến rộng rãi và có sức tiêu thụ lớn trên thị trường, nhưng khi du lịch đảo ngọc phát triển thì các đặc sản này không ngừng lan tỏa, khẳng định thương hiệu và dành được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điều này cho thấy, du lịch biển phát triển đang đóng góp rất lớn trên nhiều phương diện và mang tính tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương.

Níu chân khách bằng sản phẩm, dịch vụ

Thực tế, du lịch biển đảo đã có những đóng góp mang tính thành tựu đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Song, so với lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra quốc tế của các địa phương có biển, đảo, du lịch biển, đảo vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Việc phát triển du lịch biển, đảo vẫn chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, chưa tạo thành được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương khác, do vậy chưa tạo ra mối liên kết trong phát triển du lịch biển đảo.

Mặt khác, cho đến nay việc phát huy giá trị tài nguyên biển mới chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ, trong khi Việt Nam còn sở hữu hệ thống các đảo có tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Đặc biệt, việc khai thác tài nguyên du lịch biển được còn manh mún, sản phẩm du lịch nghèo nàn; các dịch vụ và cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu của khách; nguồn nhân lực không đồng đều; sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác du lịch biển của doanh nghiệp.

Vẻ đẹp vịnh biển Việt Nam hấp dẫn du khách quốc tế

Việt Nam có địa chiến lược vô cùng quan quan trọng và là điểm đến tuyệt vời cho các du thuyền du ngoạn trong châu Á và các du thuyền lớn vòng quanh thế giới cập cảng Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phạm Hà – CEO Lux Group, đơn vị vận hành các du thuyền cao cấp hàng đầu hiện nay - cho hay, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, lượng khách và số tàu cập cảng chưa tăng trưởng cao do hạ tầng cảng biển chúng ta kém chất lượng; thủ tục nhập cảnh phức tạp; khâu vận chuyển khách ở cảng còn khó khăn…

Mặt khác, du lịch tàu biển đang là sản phẩm nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho du lịch biển, nhưng hiện các doanh nghiệp khai thác dòng sản phẩm này vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Hà - chia sẻ, để vận hành một du thuyền trên Vịnh Lan Hạ, Bái Tử Long, doanh nghiệp phải có đủ 18 giấy phép, chưa kể phải chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan, bộ ngành.

Trước tình hình mới và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong khai thác du lịch biển, theo các chuyên gia du lịch là cần có những định hướng chính sách phù hợp nhằm khai thác tối đa lợi ích của biển, đảo, mở rộng giao thương quốc tế, tự do hóa quan hệ du lịch với các nước… Đồng thời, cần lựa chọn những sản phẩm du lịch có tính đặc thù, tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cấp hệ thống giao thông, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về vấn đề an ninh, an toàn.

Ông Hoàng Nhân Chính - cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch biển bền vững, chúng ta cần quy hoạch dài hạn, bài bản. Thực tế, nếu không có một sự tính toán bài bản sẽ không thúc đẩy được sự phát triển và nâng cao khả cạnh tranh của điểm đến. Như trước đây có tình trạng một số vùng để doanh nghiệp khai thác mặt bờ biển dày đặc, dẫn tới phá vỡ cảnh quan, sinh thái vùng biển đảo. Ngoài ra,“thúc đẩy khai thác phát triển du lịch biển, nhưng chúng ta cần phải ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường biển; hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường, kiểm soát sức tải tránh gây phá vỡ đa dạng sinh học- ông Chính khuyến nghị.

Gia tăng trải ngiệm cho du khách là yếu tố quan trọng để du lịch biển đảo phát triển

Còn theo ông Phạm Hà – CEO Lux Group, để tăng tính hấp dẫn và trải nghiệm cho du khách, các nhà cung cấp dịch vụ cần tạo ra những hoạt động trên bến dưới thuyền nhằm tăng trải nghiệm và níu chân du khách lâu hơn. Như, thay vì đi tour du thuyền 2 ngày 1 trên vịnh Lan Hạ thì thì có thể tăng thời gian để du khách có thể trải nghiệm 3 vịnh là vịnh Lan Hạ, vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long trong một hành trình; buổi tối du khách có thể lên bờ tham quan, đi chợ dêm mua sắm. Đồng thời, chính quyền cần có sự thông thoáng về chính sách để cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển các dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch biển khi dịch Covid-19 được khống chế trên toàn cầu và ngành du lịch hoàn toàn phục hồi trở lại.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, chú trọng phát triển kinh tế biển, vì vậy, đại diện Lux Group ý kiến thêm rằng, Việt Nam nên định vị du lịch quốc gia là du lịch biển từ đó để có những chính sách phát triển dài hạn, cũng như có chế phát triển hạ tầng, visa linh hoạt, xúc tiến, quảng bá hiệu quả. “Hiện tại, do còn loay hoay trong định vị sản phẩm du lịch chủ đạo, nên chúng ta đang rất khó trong việc xúc tiến, quảng bá điểm đến, quảng bá sản phẩm”- ông Hà cho hay.

Nhận thấy được tiềm năng của hệ thống các đảo ven bờ, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2020 đã xác định: “Du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam". Bên cạnh đó Chiến lược phát triền bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm.

Có thể khẳng định việc khai thác tiềm năng đảo, ngoài việc đóng góp cho các ngành du lịch, kinh tế, còn khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ môi trường, nâng cao được nhận thức về chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, việc khai thác tiềm năng, giá trị các đảo cũng nhằm mục đích cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện Luật Biển 2013, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hoa Quỳnh