Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng, chống tham nhũng để tăng cường đại đoàn kết |
Trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành riêng một mục trong bài viết tổng quan nói về việc cần “Tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực”.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” |
Tổng Bí thư chỉ rõ: Công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực. Đó cũng là biện pháp đầu tiên và tốt nhất để chống lạm dụng quyền lực - mầm mống gây ra tha hóa và tham nhũng.
Tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình càng cao thì càng tạo điều kiện cho các chủ thể giám sát có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng trống, vùng cấm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”. Tất cả những điều đó có thể thực hiện qua cách tăng tính công khai hóa trong các khâu công việc và các quyết định.
Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”.
Bản chất của tham nhũng là lợi dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân.
Bản chất của tham nhũng là lợi dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân. Công khai, minh bạch chính là đưa mọi hoạt động sử dụng quyền lực công, tiền bạc, tài sản công khai dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước và người dân. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội.
Công khai, minh bạch sẽ làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ, đồng thời giúp thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng cùng với hệ thống chính trị và toàn dân tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục.
Chúng ta cần tiếp tục chú trọng các giải pháp phòng ngừa “từ sớm, từ xa” bằng việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Việc cải cách hành chính cần thực hiện quyết liệt hơn, công khai các thủ tục hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và chủ động cung cấp thông tin việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được dư luận quan tâm góp phần định hướng thông tin tốt và tạo dư luận ủng hộ trong xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò tích cực tham gia phản biện xã hội đồng thời giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên và có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí phản ánh về tham nhũng, tiêu cực.
Cần công khai những chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, những quyền lợi nhân dân được hưởng có liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của các vị trí công việc của các công chức, các cơ quan để nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát và thụ hưởng. Những điều này phải nhìn thấy được hiệu quả trong thực tế, tránh rơi vào hình thức, qua loa.
Các công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích chung cho riêng mình (hoặc có thể cùng cả nhóm) nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của họ không bị bóc trần và bị dư luận lên án. Tăng cường minh bạch để chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan công quyền, các đơn vị kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội là đáp ứng yêu cầu của xã hội và nhân dân.