Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp |
Đây là một trong những hoạt động của Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), do Bộ Công Thương chủ trì triển khai.
Theo đó, Quỹ RSF với mục tiêu nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay với mục đích thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Quỹ có tổng quy mô lên tới 75 triệu USD, sử dụng nguồn viện trợ ODA có hoàn trả của Quỹ Khí hậu xanh thông qua Ngân hàng Thế giới.
Với việc nhận bảo lãnh RSF, các tổ chức tài chính sẽ giảm thiểu rủi ro khi thực hiện các khoản cho vay với mục đích đầu tư tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn để thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến mua sắm, lắp đặt, chạy thử hoặc trang bị thêm hay cải tạo, nâng cấp thiết bị để tăng hiệu suất sử dụng năng lượng.
Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), Phó giám đốc Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - cho biết, việc vận hành Quỹ RSF sẽ do Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội thực hiện, thuộc hợp phần 1 của dự án VSUEE. Hợp phần 2 sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp.
Tham gia vào mô hình Quỹ RSF, các tổ chức tài chính hưởng lợi từ việc có thêm một sản phẩm cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ thẩm định, giám sát các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng, tăng quy mô cho vay hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp.
Cũng theo ông Trịnh Quốc Vũ, các doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) là những đối tượng hưởng thụ cuối, lợi ích thiết thực đến từ việc thêm vốn đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan/đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án, như đơn vị quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng ở trung ương và địa phương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước được tăng cường năng lực về quản lý ngành, xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, số liệu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Theo ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới, Quỹ RSF được xem là đòn bẩy cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đẩy mạnh hơn nữa công tác đầu tư cho tiết kiệm năng lượng thông qua các giải pháp có đầu tư chi phí lớn. Cụ thể, các giải pháp kỹ thuật có thể đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng rõ rệt, như: Nâng cấp thiết bị hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo… đây đều là các giải pháp cần nguồn vốn tương đối lớn.
Ông TRỊNH QUỐC VŨ: Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ giúp tháo gỡ một số rào cản, vướng mắc hiện tại về quy định tiếp cận các nguồn vốn thương mại, tạo động lực huy động các nguồn tài chính, thúc đẩy các bên liên quan gồm doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại triển khai các dự án, phát triển thị trường đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.
|