Nhà đầu tư vui mừng khi giá điện gió tăng |
Ngày 10 tháng 9 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2018/QD-TTg nhằm thay thế Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam. Theo đó, giá điện gió sẽ tăng từ 7,8 lên 8,5 cent Mỹ cho các dự án điện gió trong đất liền và 9,8 cent cho các dự án điện gió trên biển.
Trước động thái này, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đánh giá cao điều chỉnh về giá điện gió của Chính phủ và coi đây là một tín hiệu tích cực và đặc biệt quan trọng đối với tất cả các bên liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư vào thị trường điện gió ở Việt Nam.
Ông Tobias Cossen - Giám đốc Dự án “Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam”, thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ - cho biết: "Việt Nam có nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và nguồn năng lượng gió dồi dào nên thị trường đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phát triển dự án trong thời gian qua. Tuy nhiên, biểu giá điện gió được công bố năm 2011 đi kèm với các rủi ro trong quá trình phát triển dự án đã làm chậm tiến độ của nhiều dự án bởi lẽ nhà đầu tư và tổ chức tài chính vẫn còn lo ngại về rủi ro tài chính. Hiện nay, với tín hiệu rõ ràng khi Chính phủ tăng giá bán điện gió, chúng tôi hy vọng nhiều dự án sẽ được xúc tiến và nhanh chóng đi vào hoạt động".
Cũng theo ông Tobias, việc xác định giá điện gió luôn là một chủ đề phức tạp và đôi khi khá “nhạy cảm”. Giá điện gió sửa đổi sẽ đem đến sự đảm bảo cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính hiện đang cung cấp các khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam, công suất đặt điện gió đạt khoảng 200 MW và có khoảng 100 MW đang trong quá trình xây dựng. Như vậy, dự kiến khoảng năm 2019, thị trường điện gió sẽ đạt khoảng 300 MW. Điều này còn xa so với mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cụ thể đến năm 2020 tổng công suất điệ gió phải đạt 1.000 MW chiếm 0,7% tổng lượng điện sản xuất và tăng 6 lần vào năm 2030 là 6.200 MW chiếm 2,4% tổng lượng điện sản xuất.
Đại diện GIZ cho biết thêm, trong khuôn khổ các hoạt động cải thiện khung pháp lý, GIZ đã tính toán lại mức giá điện gió cũ theo vốn đầu tư và chi phí hoạt động thực tế, cũng như phát triển các tài liệu hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường và xã hội của các dự án điện gió, các tài liệu hướng dẫn về đầu tư phát triển dự án điện gió. GIZ cũng đã triển khai việc đánh giá quy hoạch phát triển điện gió quốc gia, bao gồm cả việc đo đạc gió mang tính dài hạn.
Tiềm năng kỹ thuật của điện gió ở Việt Nam là rất lớn (khoảng 27 gigawatts) và có thể thay thế phần lớn lượng nhiệt điện (sản xuất từ than và khí gas) trong tương lai. Ngay cả khi nguồn năng lượng tái tạo từ gió hoặc năng lượng mặt trời có thể có lúc không ổn định, hệ thống điện của Việt Nam vẫn có thể tiếp nhận một lượng điện lớn từ năng lượng tái tạo. Sau khi được mở rộng, thích ứng và nâng cấp để trở thành “lưới điện thông minh”, hệ thống có thể tích hợp một lượng điện từ nguồn tái tạo lớn.
Có thể nói, quyết định mới của Chính phủ đã tháo gỡ "nút thắt" cho các nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam, trong đó có vấn đề về tài chính. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc phát triển điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Đầu tư các đường dây đấu nối từ nhà máy đến lưới quốc gia; nguồn nhân lực quản lý vận hành, đặc biệt là hệ thống dự phòng nhằm hạn chế những rủi ro về chất lượng nguồn điện, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho hệ thống "lưới điện thông minh" còn hạn chế. Đó là chưa kể tác động đến giá bán lẻ điện trong tương lai.
Còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng có thể khẳng định, Quyết định mới về giá điện gió đã thể hiện cam kết mạnh mẽ cũng như trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triển quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.