Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững Ninh Thuận: Kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ với doanh nghiệp Hàn Quốc |
Thương mại hai nước phát triển, song vẫn còn nhiều tiềm năng
Ngày 24/9, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo 28 doanh nghiệp Hàn Quốc và 64 doanh nghiệp Nam Trung Bộ.
Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024. (Ảnh - STTTT) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, khu vực Nam Trung Bộ có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi về giao thông, với các trục đường sắt, đường bộ, đường không và đường biển kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước. Riêng tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên không lớn, nhưng lại hội tụ các vùng sinh thái khí hậu đa dạng đặc trưng của khu vực gồm biển, đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, cùng với thời tiết nắng ấm quanh năm đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao như: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, thủy sản, muối, rong sụn, cừu, dê,…
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Hội nghị sẽ là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa sang thị trường các nước.
TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch VKBIA cho biết, theo thống kê năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc.
Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, cơ bản hàng hóa thương mại 2 nước không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.
TS. Trần Hải Linh cho rằng, về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” để cùng nhau phát triển. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam khá cao nhưng đa số vẫn là xuất khẩu nông sản thô chưa qua chế biến, mặt hàng chưa đa dạng và chưa đánh đúng vào thị hiếu và nhu cầu của “thị trường điểm đến”. Các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam vẫn còn có những điểm cần phải cải thiện để xuất khẩu...Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thu được thêm nguồn doanh thu thặng dư cao đến từ giá trị gia tăng của sản phẩm.
Gia tăng cơ hội xúc tiến thương mại giữa hai bên
TS. Trần Hải Linh cho rằng, về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” để cùng nhau phát triển. Theo đó, hội nghị đã tiếp tục mang đến những cơ hội thực hiện B2B, B2C, B2G… cho cộng đồn g doanh nghiệp - doanh nhân 2 nước.
Ký kết bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ. (Ảnh - STTTT) |
Mặt khác, các quy định ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, châu Âu... đều rất nghiêm ngặt. Đặc biệt các rào cản kỹ thuật với nông sản, thủy sản, thực phẩm có xu hướng ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn, ít nhiều gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp phải một số khó khăn, ví dụ khó tìm kiếm được đối tác cung ứng thích hợp, phù hợp với lĩnh vực, ngành hàng mong muốn để có thể hợp tác lâu dài. Các thủ tục làm việc giữa Việt Nam và Hàn Quốc khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đều còn có những vướng mắc, khó khăn nhất định.
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, hội nghị là điều kiện rất hữu ích để các doanh nghiệp của Hàn Quốc tìm hiểu về môi trường đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ. Thông qua thông tin trao đổi giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của Hàn Quốc sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về tiềm năng và cơ hội đầu tư; qua đó để tập trung nguồn lực đến đầu tư tại Ninh Thuận và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ.
Theo đó, tại hội nghị khoảng 60 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành của khu vực Nam Trung Bộ đã đưa sản phẩm đặc thù, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm, thủy sản... đến trưng bày, quảng bá với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Các bên đã tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp, quá trình đầu tư, sản xuất, chế biến sản phẩm... Đặc biệt là yếu tố thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm làm ra cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp…
Tại hội nghị, các bên đã có những trao đổi và ký kết 18 bản ghi nhớ hợp tác, hợp đồng giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ.