Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ trong các FTA Quảng Bình tăng cường tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch |
Việt Nam gia nhập UNESCO từ năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước. Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm và thực hiện các cam kết quốc tế của mình để đóng góp thực chất, hiệu quả vào công việc chung của UNESCO.
Thông tin tại Hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO ngày 15/6, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia tham gia rất tích cực, chủ động và hiệu quả trong các cơ chế hợp tác của UNESCO.
Hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO |
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2022, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đánh giá, Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của UNESCO, mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin - truyền thông của UNESCO cũng như tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới. |
"Hoạt động cùa UNESCO rất đa dạng, trải dài ở nhiều lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, khoa học, tự nhiên… và liên tục có sự đổi mới. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm thông tin đến người dân trong nước, quốc tế về những hoạt động, đóng góp của Việt Nam khi là thành viên của UNESCO; cũng như tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng văn hoá và xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực cho sự phát triển" - ông Triệu Minh Long nêu rõ.
Theo Ban Thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, thời gian qua, hợp tác giữa Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UNESCO có nhiều khởi sắc khi Uỷ ban đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và vận động thành công UNESCO ghi danh một số hồ sơ.
Trong đó, có 57 danh hiệu UNESCO gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế, 3 thành phố học tập toàn cầu, 23 trường ASPnet.
Đồng thời, Uỷ ban đã, đang phối hợp triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Chấp hành UNESCO và Uỷ ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể…
Trong thời gian tới, ở lĩnh vực văn hoá, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng khung thể chế quốc gia đẩy mạnh cam kết của khu vực công và tư; hoàn thiện khung thể chế quốc gia về di sản tư liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Uỷ ban sẽ tiến tới tham gia các khuôn khổ pháp lý tiêu chuẩn của UNESCO.
Về thông tin truyền thông, Uỷ ban tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các chương trình quốc tế; nâng cao kiến thức về thông tin, truyền thông và kỹ năng số, khả năng phân biệt tin giả, thông tin xấu độc. Uỷ ban cũng sẽ khai thác các chương trình sử dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO.
Nhằm tăng cường tuyên truyền về UNESCO và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO, bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, thời gian tới, Tiểu ban Văn hoá sẽ tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến về các Công ước UNESCO như Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, Công ước về phòng chống doping trong thể thao, quy định trong khuôn khổ Chương trình Ký ức thế giới…
Đối với Công ước UNESCO 2005, Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Tiểu ban Văn hoá sẽ tích cực triển khai Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Dự án Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia trên cơ sở Dự án thí điểm của UNESCO về Chỉ số văn hóa nhằm triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, vì sự phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và Thừa Thiên Huế trên phạm vi địa phương; lồng ghép việc giới thiệu các di sản Việt Nam được UNESCO công nhận trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia, giới thiệu đất nước, con người, văn hoá, nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài (các Tuần Văn hóa, Ngày Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài) cũng như các hoạt động, sự kiện quan trọng tổ chức tại Việt Nam…
Đối với các di sản nói chung và di sản tư liệu nói riêng, theo TS. Phạm Thị Khánh Ngân - Phó trưởng Phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu (Cục Di sản văn hoá - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, với Chương trình Ký ức thế giới, Việt Nam tham gia rất tích cực khi liên tục có những khảo sát, đánh giá sơ bộ khối lượng di sản tư liệu đang tiềm ẩn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, bao gồm phần lớn di sản tư liệu nằm trong các hệ thống bảo tàng, thư viện, di tích, đặc biệt là cộng đồng, dòng họ, cá nhân và một bộ phận tại các trung tâm lưu trữ của Bộ Nội vụ.
Cùng với đó, Cục Di sản văn hoá cũng thường xuyên thông báo và hướng dẫn các Sở liên quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trên phạm vi toàn quốc tại Công văn số 311/DSVH-QLBT&TTTL ngày 10/5/2021. Hằng năm, các văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, quy trình xây dựng và thẩm định các hồ sơ đề cử ghi danh thế giới theo thông báo của Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới đều được ban hành.
Song song với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung nâng cao nhận thức của toàn xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; đưa di sản tư liệu hoà chung với di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững...
Tại hội nghị, đại diện Ban thư ký và các tiểu ban của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam giới thiệu về kế hoạch hoạt động và định hướng tuyên truyền về UNESCO trong năm 2023; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày nội dung bảo tồn, phát huy các di sản tư liệu thế giới và khu vực của Việt Nam; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày nội dung bảo tồn, phát huy giá trị tại các khu công viên địa chất toàn cầu nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.