|
Thực tế hiện nay có hơn 2/3 số người dân tộc thiểu số (DTTS) có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn vào đất nông nghiệp và đất rừng, sống dưới ngưỡng nghèo. Mặc dù các chính sách lâm nghiệp và đất đai hiện tại đã cho phép các cộng đồng dân cư có thể xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cộng đồng, song trên thực tế, tiếp cận đất đai của người DTTS bị hạn chế bởi nhiều yếu tố đan xen lẫn nhau, như: hạn chế liên quan đến quyền sử dụng đất chính thức, việc giao đất, giao rừng cho các nông, lâm trường quốc doanh và tư nhân và thiếu một cơ chế chính thức công nhận hiệu quả của các phương thức quản lý rừng cộng đồng truyền thống… Chính những điều này khiến tỷ lệ đói nghèo ở khu vực có đồng bào DTTS đến nay vẫn cao hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình trên cả nước.
Trước thực tế đó, việc vận động chính sách để hướng tới một môi trường chính sách thuận lợi về quản trị rừng trở nên rất quan trọng. Điều này không chỉ đảm bảo người DTTS được quyền tiếp cận đất rừng của người DTTS mà còn khuyến khích họ áp dụng những hương ước, luật tục truyền thống và hiệu quả trong quản lý rừng cộng đồng. Việc khởi động Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số” kỳ vọng sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực cho khoảng 8 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số, sống dựa vào rừng ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Dự án có tổng vốn hỗ trợ hơn 650.000 EURO (tương đương hơn 700.000 USD), tiến hành từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2018 tại 6 tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.
Bà Trần Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm CIRUM cho biết, kết quả mà dự án này mong đợi là các mô hình quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả, được các nhà lập định chính sách ghi nhận và sử dụng trong quá trình điều chỉnh, sửa đổi các chính sách đất, rừng; Tổ chức hiệu quả các cuộc hội thảo, đối thoại chính sách về việc thực hiện Luật Đất đai 2013 và sửa đổi Luật bảo vệ và Phát triển rừng 2014; Năng lực của các tổ chức cộng đồng, các tổ bảo vệ rừng đủ tự tin tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các hoạt động của dự án, đảm bảo đất, rừng được quản lý, sử dụng và bảo vệ hiệu quả; Tăng cường năng lực thực thi trách nhiệm của chính quyền xã trong việc đảm bảo quyền tiếp cận đất lâm nghiệp cho người DTTS; Phụ nữ dân tộc đủ tự tin tham gia vào quá trình ra quyết định trong các hoạt động quản lý và sử dụng đất, rừng cộng đồng dựa vào vai trò và kinh nghiệm của mình. Trên cơ sở đó, đại diện phụ nữ dân tộc có cơ hội tham gia tích cực vào các hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách tại các cấp.