Tăng cường phối hợp quản lý khoáng sản tại Lào Cai
Tin hoạt động 20/08/2019 16:30
Tại Lào Cai hiện có 23 đơn vị được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản với 30 mỏ và điểm mỏ (trừ khoáng sản vật liệu xây dựng), bao gồm: Apatit (10 giấy phép), đồng (03), vàng (03), sắt (06), chì - kẽm (01), caolin - fenspat - mica (04), secpentin (01), graphit (02). Trong đó, các đơn vị khai thác, chế biến, tiêu thụ apatit, cao lanh, fenspat và đồng luôn duy trì hoạt động ổn định, hoạt động khai thác chì - kẽm hiện đã tạm dừng, một số đơn vị khai thác vàng, sắt, secpentin đã hoạt động trở lại.
Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai bàn giải pháp quản lý khai thác khoáng sản |
Ông Phan Văn Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết: Các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đã thực hiện tương đối đầy đủ các qui định của Luật Khoáng sản, Luật Lao động, thực hiện các nghĩa vụ về thuế và các qui định pháp luật có liên quan. Các đơn vị xuất khẩu trước khi vận chuyển sản phẩm xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đều xây dựng phương án vận chuyển trình Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải phê duyệt, sau đó tổ chức thực hiện theo phương án phê duyệt. Tất các các đơn vị xuất khẩu quặng sắt đều có sự kiểm tra trực tiếp và cho phép của Bộ Công Thương. Công tác chống buôn lậu khoáng sản qua biên giới đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo rất sát sao, các lực lượng chức năng đã nỗ lực đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chưa hoàn thiện hồ sơ kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng, chưa thực hiện thủ tục thuê đất cho vị trí khai thác... Khối lượng quặng sắt xuất khẩu hàng năm qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai rất lớn, trong khi đó hạ tầng xuống cấp trầm trọng gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường đã gây bức xúc cho nhân dân sinh sống cạnh các tuyến đường. Mỏ sắt limonit Làng Vinh - Làng Cọ, theo tài liệu địa chất và thực tiễn khai thác, chế biến cho thấy chất lượng quặng sắt không đạt được 54%, chủ yếu từ 49 - 51%.
Năng lực khai thác, chế biến quặng sắt của các đơn vị trên địa bàn Lào Cai sản lượng đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, nhưng Nhà máy Gang thép Lào Cai chỉ có nhu cầu nguyên liệu khoảng 1 triệu tấn, dư thừa khoảng 3 triệu tấn; quặng đồng khai thác sản lượng khoảng 130.000 tấn, nhưng Nhà máy luyện đồng Tằng Lỏong chỉ tiêu thụ được khoảng 50.000 tấn, dư khoảng 80.000 tấn chưa có thị trường; đối với quặng apatit thì các nhà máy sử dụng loại quặng này làm nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra (Nhà máy phốt pho vàng, DAP…).
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải (đầu tiên, bên phải) trao đổi tại buổi làm việc |
Để hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản hiệu quả hơn trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố đã và đang thực hiện kiểm tra toàn bộ các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy trình, quy phạm, kỹ thuật, an toàn, phòng chống cháy nổ…; báo cáo UBND tỉnh về tình hình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và đề xuất những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản, nhất là việc tiêu thụ quặng sắt. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Lào Cai đã được cấp phép khai thác mỏ tiêu thụ sản phẩm đã khai thác, chế biến.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong phối hợp công tác với Bộ Công Thương, nhất là những vấn đề có liên quan đến phát triển lĩnh vực công thương trên địa bàn. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Mục đích của cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương với tỉnh Lào Cai lần này là để tăng cường phối hợp giữa Bộ và địa phương đảm bảo công tác quản lý khai thác, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn diễn ra hiệu quả, trên cơ sở tuân thủ nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, các qui định pháp luật của Nhà nước, đồng thời dựa trên các yếu tố của thị trường. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành của Lào Cai về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, khai thác, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản, trên cơ sở đó trong phạm vi thẩm quyền qui định, Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét các biện pháp hỗ trợ, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ xem xét.
Về phía tỉnh Lào Cai, ông Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đồng tình cao với ý kiến trao đổi của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Đồng thời khẳng định, quan điểm của tỉnh về quản lý khai thác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn là thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục, qui định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Ông Lê Ngọc Hưng cũng bày tỏ mong muốn những kiến nghị của tỉnh, của các sở, ngành của Lào Cai nêu ra tại buổi làm việc sẽ được Bộ Công Thương quan tâm, xem xét, trên cơ sở đó có các cơ chế, chính sách thích hợp để hỗ trợ.