Phối hợp phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm
Theo ông Lê Văn Phúc - Cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam - trong thời gian qua, Bộ đội Biên phòng và cơ quan Hải quan đã chủ động phối hợp triển khai các kế hoạch, giải pháp trong công tác kiểm soát xuất – nhập cảnh, quá cảnh, xuất – nhập khẩu hàng hoá, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và các loại tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Quy chế phối hợp giữa lực lượng Hải quan và Biên phòng trong giai đoạn mới sẽ giúp thống nhất trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo các chuyên đề, kế hoạch lớn |
Cụ thể, qua 7 năm (2012 - 2019) thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa hai lực lượng, lực lượng Biên phòng đã cung cấp cho lực lượng Hải quan 468 nguồn tin liên quan đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực gian lận thương mại, trốn lậu thuế xuất – nhập khẩu, hành vi gian lận trong khai báo vận chuyển tiền, ngoại tệ trái quy định của Nhà nước trong hoạt động xuất – nhập cảnh, trong đó có 336 nguồn tin có giá trị. Ngược lại, lực lượng Hải quan đã cung cấp cho lực lượng Biên phòng 398 nguồn tin liên quan đến hoạt động của tội phạm về an ninh trật tự, vi phạm quy chế xuất nhập cảnh, trong đó có 236 nguồn tin có giá trị.
Đặc biệt, các đơn vị Hải quan và Biên phòng cửa khẩu đã phối hợp làm thủ tục xuất – nhập cảnh cho gần 25,4 triệu lượt người; gần 21,4 triệu lượt phương tiện qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt và cửa khẩu cảng.
Ngoài ra, Hải quan, Biên phòng các cấp đã phối hợp phát hiện, xử lý 2.951 vụ vi phạm về an ninh, trật tự; 5.563 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; 192 vụ buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý. Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 100 tỷ đồng.
Hai bên cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức 1.536 lượt tổ tuần tra, kiểm soát chung với 9.668 lượt người tham gia. Đáng chú ý, lực lượng Hải quan cũng đã tham gia cùng lực lượng Biên phòng tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển được 15 đợt với 1.335 lượt người tham gia...
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tình hình mới
Mặc dù công tác phối hợp giữa hai lực lượng đã đạt được hiệu quả cao, tuy nhiên, ở một số đơn vị, cơ sở, việc phối hợp trao đổi thông tin của hai bên trên cùng địa bàn chưa chặt chẽ, thống nhất.
Bên cạnh đó, công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ cụ thể mới chỉ thực hiện khi có yêu cầu, chưa chủ động trao đổi thường xuyên và kịp thời, đặc biệt là những thông tin liên quan đến hoạt động của đường dây, ổ nhóm buôn lậu...
Vì vậy, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thống nhất cho rằng, nhằm tăng cường công tác phối hợp trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện tình hình diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, như: xuất – nhập cảnh trái phép, buôn bán vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, chất nổ, văn hoá phẩm có nội dung phản động, mua bán người, các hoạt động rửa tiền, buôn lậu, gian lận thương mại… qua cửa khẩu, khu vực biên giới với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn… hai lực lượng cần có hướng dẫn chi tiết, kế hoạch, giao ban đánh giá thường kỳ xác định trọng điểm ở từng thời kỳ để có chỉ đạo cụ thể.
Công tác phối hợp được cụ thể hoá trong Quy chế phối hợp giữa hai lực lượng trong giai đoạn mới, trong đó tập trung thống nhất phối hợp trong chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề, kế hoạch công tác lớn.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về biên phòng, hải quan, hai bên chủ động phối hợp nghiên cứu, phân tích, đánh giá để tham mưu đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính biện pháp khắc phục kịp thời.
Quy chế cũng tập trung vào công tác trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, nhất là trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định.
Đối với các vụ việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cả hai bên về phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trong phạm vi địa bàn kiểm soát hải quan thì cơ quan Hải quan chủ trì, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.