Hiệu quả cao trong kiểm tra, xử lý
Theo ông Tạ Đình Dũng, là địa phương trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ, nên thị trường tỉnh Thái Nguyên có quy mô tương đối lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu chuyển hàng hoá diễn ra sôi động, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh hàng hoá.
Ông Tạ Đình Dũng: Để công tác QLTT đạt hiệu quả cao, ngoài kiểm tra, xử lý thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến các cá nhân, tổ chức, DN và người tiêu dùng được QLTT Thái Nguyên hết sức quan tâm. |
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm về giá, nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm... Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bằng phương thức thương mại điện tử thông qua các Website thương mại, ứng dụng thương mại điện tử nở rộ và có chiều hướng phức tạp.
Để thực hiện tốt công tác kiểm soát thị trường, ngay từ đầu năm 2019, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất trên địa bàn và phân loại theo từng nhóm hành vi vi phạm.
Cụ thể với hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Kết quả toàn lực lượng đã xử lý 74 vụ với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu gần trên 616 triệu đồng. Tương tự với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, QLTT đã bám sát địa bàn, kiểm tra, xử lý 107 với tổng số tiền phạt hành chính và trị giá tang vật vi phạm tịch thu là trên 945 triệu đồng.
Cũng theo ông Dũng, tại các khu vực miền núi và các khu công nghiệp lớn, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa diễn biến phức tạp. Do đó, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn tăng kiểm tra, kiểm soát và xử lý được 676 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng tịch thu tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2019, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, lần đầu tiên QLTT Thái Nguyên thực hiện kiểm tra, xử lý 07 vụ với số tiền phạt, trị giá hàng hóa tịch thu trên 195 triệu đồng.
“Tính chung cả năm nay, lực lượng QLTT Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra 2.038 vụ việc kiểm tra; xử lý 1.351 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính, bán hàng tịch thu và giá trị tiêu huỷ hàng hoá gần 5 tỷ đồng” - ông Tạ Đình Dũng cho biết.
Tăng cường kiểm tra, xử lý; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Ông Tạ Đình Dũng khẳng định, để công tác QLTT đạt hiệu quả cao thì ngoài kiểm tra, xử lý thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến các cá nhân, tổ chức, DN và người tiêu dùng được xem là yếu tố hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện quy mô thị trường của tỉnh Thái Nguyên liên tục phát triển, đi kèm đó là nhịp độ tăng trưởng cung – cầu hàng hoá, dịch vụ tăng cao.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên luôn đạt cao, cùng đó là sự gia tăng mạnh mẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh có gần 3,6 nghìn DN đang hoạt động, trong đó có tới 96,5% DN ngoài nhà nước và 2,78% DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn còn có 476 hợp tác xã sản xuất và kinh doanh thương mại trên nhiều lĩnh vực ngành hàng.
Triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, QLTT Thái Nguyên sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát những nhóm hàng và địa bàn trọng điểm, kết hợp xử lý và tuyên truyền pháp luật |
Cùng đó, hiện Thái Nguyên đã có 6 Khu công nghiệp (KCN) với khoảng 150 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút gần 112.000 lao động, kéo theo sự tăng trưởng dịch vụ và lưu chuyển hàng hoá tại các khu vực “ngoài hàng rào KCN” rất cao, và đi kèm đó là nguy cơ vi phạm các quy định trong kinh doanh, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tại các địa phương nông thôn, miền núi, do điều kiện kinh tế khó khăn và nhận thức của người dân còn hạn chế, nên đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
“Không chỉ trong các chợ truyền thống, chợ dân sinh mà ngay tại các hội chợ, qua công tác QLTT, chúng tôi đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm” – ông Dũng nói và cho biết, để cuộc chiến “làm sạch thị trường” thật sự có hiệu quả, việc đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng được quan tâm đặc biệt.
Từ quan điểm đó, thời gian qua, đặc biệt là năm 2019, Cục QLTT Thái Nguyên đã xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch, chiến dịch tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ cấp Cục đến các Chi cục, Tổ, Đội và thực hiện trên địa bàn từ thành thị đến nông thôn, miền núi thông qua nhiều hình thức đa dạng, như: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp; ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; tuyên truyền trực tiếp...
Kết quả trong năm 2019, các Đội QLTT trực thuộc đã phối hợp tổ chức 06 Hội nghị tuyên truyền trực tiếp về các quy định của pháp luật đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên 07 huyện, thành phố, thị xã.
Tiến hành ký cam kết với 632 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành đúng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực tham gia hoạt động kinh doanh, không tiếp tay tiêu thụ hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm; Cục QLTT và các Đội QLTT thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương đưa 46 tin, bài và các phóng sự trên truyền hình, báo của tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác…
“Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Cục QLTT Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, trong đó tập trung vào những nhóm hàng hoá và địa bàn trọng điểm, kết hợp xử lý và tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng liên quan” – ông Dũng khẳng định.