CôngThương - Ông Nguyễn Quang Bách- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn)- cho biết, cửa khẩu Tân Thanh là nơi xuất nhập khẩu tới 90% mặt hàng hoa quả và nông sản qua địa bàn. Năm 2012, các mặt hàng này nhập khẩu tuy giảm nhưng trung bình mỗi ngày, vẫn có khoảng 200 tấn hoa quả được nhập khẩu, chủ yếu là táo, lê, cam, quýt, dưa vàng…
Về quy trình, các loại hoa quả nhập khẩu phải ghi rõ xuất xứ, địa chỉ cụ thể vườn trồng, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để các cơ quan chức năng của Việt Nam tiện quản lý, truy xuất nguồn gốc, chất lượng trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, để được thông quan vào Việt Nam, doanh nghiệp nhập hoa quả bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn, không có mầm bệnh, dịch hại cũng như hóa chất độc hại. Nếu phát hiện lô hàng nào không đảm bảo thì lực lượng Hải quan tập tức giữ lại và bắt buộc tái xuất.
Kiểm tra hoa quả nhập khẩu.
Theo bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Tân Thanh (Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 7), trong công tác kiểm soát, kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu, mặt hàng này đều được lấy mẫu kiểm dịch với tỷ lệ 10%. Dù vậy, ban đầu đơn vị gặp khó khăn trong việc triển khai vì tất cả các mẫu đều phải gửi về Hà Nội kiểm tra, 7-10 ngày sau mới có kết quả. Đáng lo hơn, sau khi lấy mẫu xong vẫn phải để doanh nghiệp vận chuyển hàng đi tiêu thụ nên nhiều khi có kết quả phát hiện vi phạm thì hàng đã được tiêu thụ hết.
Gần đây, với các thiết bị kiểm tra nhanh, trạm đã phát hiện một số mẫu hoa quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Cụ thể, kết quả phân tích của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy 1 lô mận có chứa chất carbendazim vượt quá 1,5 lần. Đây là một chất cấm sử dụng bảo quản trong rau, củ, quả tươi. Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu đã không cho phép lô mận trên nhập khẩu và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 chủ động phối hợp với Cục kiểm nghiệm, khảo nghiệm Bằng Tường- Quảng Tây (Trung Quốc) truy nguyên nguồn gốc lô hàng có hóa chất tồn dư, kiểm soát chặt ngay từ bên kia biên giới. Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ đạo kiểm tra chặt mặt hàng mận, nho (phát hiện tồn dư thuốc), lấy mẫu 30%.
Hàng chục xe hoa quả chờ đưa về xuôi tiêu thụ.
Tuy nhiên, quy định kiểm tra chỉ áp dụng được với các lô hàng xuất qua đường chính ngạch. Việc buôn bán, trao đổi giữa các cư dân biên giới đối với mặt hàng hoa quả nếu qua đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, hoa quả được nhập về không có hợp đồng rõ ràng, cụ thể, quy định lỏng lẻo nên thiếu ràng buộc trách nhiệm. Nguy cơ chất lượng sản phẩm không an toàn là rất dễ xảy ra vì mua bán mà chỉ là giao kèo miệng.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Qúy Tỵ, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, lực lượng Hải quan sẽ tăng cường tần suất kiểm tra đối với tất cả các loại hoa quả nhập khẩu. Đặc biệt, tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm dịch sử dụng hiệu quả các thiết bị thử nhanh để tiến hành kiểm tra định tính hóa chất trên hoa quả nhập khẩu, có thể cho kết quả nhanh từ 1-2 giờ. Điều này, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện ra mẫu hoa quả “bẩn”.
Bà Bế Thị Thu Hiền khuyến cáo, mặt hàng hoa quả nước ta hay dùng là táo, lê, cam, quýt, dưa vàng, thời điểm chính vụ là từ tháng 7 năm nay đến tháng 1 năm sau. Ngoài thời gian đó, nếu vẫn có mặt hàng hoa quả đó bán trên thị trường là quả trái vụ thì người tiêu dùng không nên mua, vì lúc đó, nguy cơ hoa quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là rất cao.