Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Phước Trung - cho biết, ngành nông nghiệp thành phố hiện đang tập trung chuyển đổi mạnh đất trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học gồm rau, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh và hoa cây kiểng. Diện tích trồng rau đạt 3.876 ha, sản lượng 108.722 tấn; sản lượng thủy sản đạt 13.682 tấn...
Truy xuất nguồn gốc thịt heo trước khi đưa vào hệ thống siêu thị Co.opmart |
Đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện cơ quan chức năng đã cấp 369 Giấy chứng nhận vào chuỗi giá trị nông sản cho 230 đơn vị (trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh) của các tỉnh với tổng sản lượng hơn 165.310 tấn/năm, 7,88 triệu lít nước mắm/năm tham gia thị trường của thành phố. Trong đó, 53 Giấy chứng nhận chuỗi sản phẩm thực vật với sản lượng 65.484 tấn/năm, bao gồm 52.851 tấn rau củ quả, 12.573 tấn trái cây, 60 tấn sản phẩm trà. Các sản phẩm tham gia chuỗi này được gắn logo chuỗi thực phẩm an toàn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ 1.000 tấn rau, củ; 500 tấn trái cây; 1.700 con heo ; 40.000 con gà nhưng hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường thành phố hiện nay chưa quá 30%. Để nâng tầm giá trị thực phẩm, TP. Hồ Chí Minh đang đề nghị hình thành bộ tiêu chuẩn cho nông sản Việt đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, thương hiệu trong hệ thống tiêu dùng hiện đại; phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua chương trình "Chắp cánh hàng Việt". Cho đến nay chương trình đã được nhiều DN, cơ sở sản xuất nhân rộng và cũng đã được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, với mục tiêu mở rộng, nâng chất hàng Việt Nam Chương trình "Chắp cánh hàng Việt" giai đoạn I được triển khai ở kênh phân phối hiện đại trong năm 2019. Theo đó, chương trình tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng giúp chuẩn hóa ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống, gồm rau, củ, quả, trái cây; thịt gia súc, gia cầm. Theo ông Hòa, đây là ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, gắn với đời sống người nông dân ở các tỉnh cần tiêu thụ sản phẩm, thành phố cần nguồn cung ổn định và sản phẩm hoàng hóa bảo đảm chất lượng. Nếu làm tốt được khâu này, ngoài cung cấp bữa ăn với chất lượng thực phẩm tốt còn góp phần khẳng định giá trị của thực phẩm Việt Nam để tiến tới xuất khẩu. Hiện tại, Chương trình “Chấp cánh hàng Việt” đã được nhiều DN, cơ sở sản xuất và đông đảo người tiêu dùng hưởng ứng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh là tiêu chí bắt buộc đã được các sở ngành, DN của thành phố triển khai. Sản xuất thực phẩm chất lượng đang là xu hướng được các nhà sản xuất quan tâm đầu tư vì nhu cầu của người tiêu dùng không ngừng đòi hỏi.
Hiện tại trên địa bàn thành phố có 1.174 tổ chức, cá nhân, đã được chứng nhận VietGAP với 1.381,5 ha, sản lượng đạt khoảng 129.110 tấn/năm. Công ty CP Sài Gòn Food (Saigonfood) có doanh thu nội địa 40% và xuất khẩu chiếm 60%, trong đó DN đang cung cấp 50 mặt hàng thực phẩm đông lạnh sang thị trường Nhật Bản. Phó tổng giám đốc Saifgonfood Lê Thị Thanh Lâm nói rằng, năm 2020 kế hoạch của công ty là sẽ nâng tỷ trọng doanh thu nội địa từ 40% như hiện nay lên 50%, nhằm mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng trong nước những bữa ăn ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí của Vissan trước khi cung cấp cho người tiêu dùng |
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã xây dựng chuỗi kinh doanh cửa hàng tiện lợi Satrafoods với gần 300 điểm bán, phục vụ người tiêu dùng hơn 4.000 mặt hàng thiết yếu, trong đó hơn 80% mặt hàng là thực phẩm và sẽ đưa thêm 60 cửa hàng Satrafoods vào hoạt động trong năm nay. Đại diện Satra cho hay, hàng hóa do công ty sản xuất luôn đặt ra tiêu chí chất lượng ngon và sạch lên hàng đầu. Để hàng hóa đảm bảo chất lượng, gần đây Satra đã liên kết, hỗ trợ nông dân ở các tỉnh như Lâm Đồng Long An, Tiền Giang... để hoàn thiện chất lượng nông sản, tổ chức tiêu thụ nông sản của các địa phương này theo phương thức sản xuất theo chuỗi kép kín, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng.
Khi nhu cầu về thực phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh của người tiêu dùng ngày càng cao buộc các nhà sản xuất phải cung ứng cho họ đúng nhu cầu, đây cũng là xu thế của sản xuất hàng hóa trong thời kỳ cuộc sống đang này càng được cải thiện và hòa nhập với nhiều thị trường. Tuy nhiên, một bộ phận người có thu nhập thấp, cư dân sinh sống ở những vùng sâu vùng xa vẫn chưa tiếp cận được những “miếng ngon” nhưa người dân dân ở các đô thị. Điều này buộc các DN sản xuất lẫn các nhà quản lý cần phải thay đổi hành động, sản xuất thực phẩm sạch hơn với tinh thần trách nhiệm và đạo đức của mình.