Hoạt động đồng bộ tại các địa phương
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), kết quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2020 cho thấy số lượng các Hội Bảo vệ người tiêu dùng được thành lập mới tại các tỉnh, thành phố đã có sự gia tăng đáng kể. Từ 44 Hội trên cả nước vào năm 2012 lên 56 Hội vào năm 2020. Trong đó, nhiều Hội đã phát triển mạng lưới xuống cấp huyện, xã, cũng như thành lập nhiều Chi hội trực thuộc.
Công tác tuyên truyền của các cấp Hội đã được chủ động và thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, nổi bật là hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hàng năm luôn ghi nhận sự tham gia của ít nhất 58 tỉnh, thành phố (giai đoạn 2016 - 2020). Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương đã ghi nhận số lượng vụ việc khiếu nại, phản ánh gia tăng rõ nét. Từ chỗ chỉ có trên dưới 100 vụ việc/năm trong giai đoạn 2011 - 2012 đã tăng lên trên 500 vụ/năm trong giai đoạn 2015 - 2020…
Hàng năm, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam |
Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các địa phương như: Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tại địa phương chưa cao, chưa phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.
Ngoài ra, kết quả đánh giá quá trình thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cho thấy, địa phương nào có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức thì công tác bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương đó sẽ có nhiều kết quả khởi sắc, thu hút được sự tham gia của đông đảo các chủ thể tại địa phương, qua đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn.
Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành
Từ thực tiễn trên, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, việc xây dựng và phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề cấp thiết, mang tính định hướng cho thành công của công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương.
Đại diện lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhận định, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức, Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết, vì lĩnh vực tiêu dùng rất đa dạng, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều sở, ban, ngành và phạm vi hoạt động của nhiều hiệp hội khác nhau. Do vậy, để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội trong từng lĩnh vực chuyên ngành.
Hoạt động phối hợp tuyên truyền giữa Cục Quản lý thị trường và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình |
Bên cạnh đó, hoạt động tiêu dùng diễn ra hàng ngày, thường xuyên, có số lượng giao dịch lớn. Việc dồn khối lượng công việc bảo vệ người tiêu dùng vào một cơ quan, tổ chức là không khả thi, không đủ nguồn lực để đảm bảo yêu cầu về hiệu quả giải quyết. Do vậy, cần phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để phân bổ khối lượng công việc hợp lý và đảm bảo hiệu quả của hoạt động.
Hơn nữa, hoạt động tiêu dùng và sản xuất đang ngày càng có xu hướng biến đổi, phát sinh nhiều hành vi tiêu dùng, sản xuất mới do sự phát triển của khoa học công nghệ. “Thực tế cho thấy, trong thời kỳ Cách mạng 4.0, một số vấn đề tiêu dùng mới phát sinh đã gây lúng túng cho công tác quản lý của Nhà nước, ví dụ: Mô hình hoạt động của Grab hoặc các mô hình kinh tế chia sẻ. Vì vậy, trong những trường hợp đó, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên nhằm đảm bảo đánh giá toàn diện, chính xác các khía cạnh của vấn đề, từ đó, đảm bảo hiệu quả giải quyết vụ việc” - đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phân tích.
Từ thực tiễn thành công tại một số địa phương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nêu lên một số vấn đề cần chú trọng, nghiên cứu thực hiện trong quá trình xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương như: Xác định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương; Thực hiện tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của nhiều chủ thể trong việc phối hợp thực hiện bảo vệ người tiêu dùng; Xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp liên ngành về bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương; Thường xuyên giám sát, kiểm tra hiệu quả công tác phối hợp…
Có thể nói, bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân. Với sự vào cuộc của các ngành tại các địa phương, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.