CôngThương - Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện cả nước có 28.285 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ tính riêng 12 tỉnh, thành phố phía Bắc đã có tới 11.485 điểm giết mổ. Số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ nhiều và phân bố rải rác ở khắp các khu dân cư, do đó, việc kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số hơn 11.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ chỉ có 929 cơ sở, điểm giết mổ được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (chiếm 8,05%). Đặc biệt, đối với việc vận chuyển gia súc, gia cầm giết mổ, hiện khu vực phía Bắc mới chỉ có 5/12 địa phương sử dụng xe lạnh để vận chuyển thịt cho các siêu thị, khách sạn còn lại hầu hết sử dụng xe gắn máy và không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là nguy cơ lớn gây lây lan dịch bệnh động vật.
Về công tác quy hoạch, cả nước hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, đại đa số các cơ sở đã được quy hoạch đều ở tình trạng “ quy hoạch treo”, không đạt được hiệu quả như mong muốn, có nhiều cơ sở dù đã được đầu tư khá lớn song cũng chỉ hoạt động cầm chừng…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm một cơ sở nuôi, giết mổ và |
Tại Thành phố Hà Nội, đại diện UBND Thành phố Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện mới chỉ xây dựng được 18 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn lại có tới hơn 3.000 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong khu dân cư khiến cho việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó khăn. Cũng theo đại diện lãnh đạo của một số địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thừa Thiên Huế… do các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nằm len lỏi trong các khu dân cư nên rất khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý các cơ sở này.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, công tác quản lý giết mổ, vận chuyện kinh doanh gia súc, gia cầm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm thịt an toàn cho cộng đồng, phòng chống dịch bệnh động vật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều tồn tại, bất cập đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát và đưa vào nền nếp công tác quản lý giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm là việc phải làm ngay, không để chậm trễ. Trong đó, vấn đề quan trọng là phải triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đúng tiêu chuẩn, có như vậy mới đưa đến cho bữa cơm từng gia đình sản phẩm sạch.
Để làm được việc này cần có sự tham gia quyết liệt của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương ngoài việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, cần đưa vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thành các chuyên đề báo cáo tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân để chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương chưa có quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm phải khẩn trương xây dựng và hoàn thành trước 31/3/2013. Các địa phương đang chuẩn bị quy hoạch phải hoàn thành trước 31/12/2012. Đặc biệt Hà Nội và 11 địa phương lân cận cùng với 4 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế và Công an phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm soát, kiểm dịch giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; nghiên cứu sản xuất xe thiêu hủy thịt gia súc, gia cầm lưu động để hạn chế và từng bước xóa bỏ việc chôn lấp thịt thối, thịt không kiểm dịch như hiện nay.
Ngoài ra, cần có phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ thú y trong việc kiểm soát việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường các giải pháp để ngăn chặn gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch có cơ hội phân phối trên thị trường; cần gắn gợi ích của người kinh doanh giết mổ, của người dân sử dụng và của chính quyền địa phương, có như vậy mới tạo ra sự đồng lòng trong việc thắt chặt công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên cả nước.