Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại Nơi kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu |
Năm 2023, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing” đã lần đầu tiên được Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 9 và đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đã rất nhiệt tình tham gia sự kiện này. Xin bà chia sẻ đôi nét về hiệu quả của chuỗi sự kiện trong năm 2023 đối với cộng đồng doanh nghiệp Bắc Âu?
Tuy khó đo lường một cách chính xác về hiệu quả của chuỗi sự kiện năm 2023 nhưng có thể thấy rằng việc tổ chức sự kiện này đã tạo ra một nền tảng cần thiết cho việc kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên.
Đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham gia sự kiện rất đa dạng về lĩnh vực và quy mô, từ các tập đoàn lớn như Cảng Gothenburg (Thuỵ Điển) đến các doanh nghiệp môi giới trung gian dịch vụ như Nordic Apiary (Thuỵ Điển); doanh nghiệp phân phối, bán lẻ như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)... Qua sự kiện này, các doanh nghiệp Bắc Âu đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ logistics đến sản xuất.
Đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing” (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển) |
Cụ thể, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đại diện cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau như Cảng Gothenburg là cảng biển lớn nhất Thụy Điển, vận chuyển hơn 800.000 container/năm. Hiện nay, hàng hóa Việt Nam vào thị trường Thụy Điển thường được nhập khẩu qua các đầu mối trung gian. Nếu thúc đẩy được hợp tác cảng biển và hàng không, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được vận chuyển trực tiếp, giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung. Đoàn Cảng Gothenburg tham dự hội chợ đã mở ra được một hướng đi mới cho hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên ở lĩnh vực này trong thời gian tới.
Các tập đoàn lớn như FH, IKEA, hay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia, East Asia… khi tham gia chuỗi sự kiện đã ít nhiều có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ.
Nhóm doanh nghiệp môi giới trung gian trong lĩnh vực dịch vụ cũng có một số kết quả khả quan ban đầu như doanh nghiệp Nordic Apiary, Frends đã ký được Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn FPT của Việt Nam Ngoài ra, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu đã tích cực tham dự các hội thảo bên lề để chia sẻ các kinh nghiệm, xu hướng mới, yêu cầu thị trường… cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Với những kết quả đó, năm 2024, dự kiến, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu sẽ tiếp tục tham gia Sourcing Fair 2024. Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển sẽ có những giải pháp gì để thu hút doanh nghiệp Bắc Âu tham dự sự kiện quan trọng này?
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã và đang tăng cường quảng bá, tiếp thị cho sự kiện thông qua các hoạt động trực tuyến và trực tiếp để cung cấp thông tin chi tiết về cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại thị trường Việt Nam, cơ hội nhập khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao với mức thuế ưu đãi do Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mang lại.
Thương vụ cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện giới thiệu hàng Việt Nam như thử sản phẩm, vận động người Việt Nam ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, chuẩn bị tổ chức một số hội thảo như “Gateway to Vietnam” hay “Vietnam - An Emerging Destination for Sourcing and Production”…
Từ những thành công của chuỗi kết nối trong năm 2023, trong khoảng thời gian ngắn sự kiện diễn ra, Thương vụ sẽ có những giải pháp ra sao để giúp nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp hai bên?
Ngoài việc tham dự chuỗi sự kiện Sourcing Fair 2024, Thương vụ thiết kế chương trình riêng cho từng nhóm doanh nghiệp theo yêu cầu. Chúng tôi tăng cường hiệu quả kết nối giữa các doanh nghiệp bằng cách tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ với các đối tác tiềm năng ở diện rộng, kết hợp tổ chức đi thăm nhà máy, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Những hoạt động này sẽ giúp tạo ra cơ hội trao đổi trực tiếp và xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy giữa các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện, bà có khuyến nghị gì để nâng cao hiệu quả kết nối, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Bắc Âu?
Để nâng cao hiệu quả kết nối và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Bắc Âu, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện cần chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm, bao bì và các minh chứng về chất lượng sản phẩm. Xin lưu ý, các doanh nghiệp Bắc Âu nhiều khi quan tâm đến bao bì và nội dung in trên đó còn hơn chính sản phẩm. Kể câu chuyện về nguồn gốc hay ý nghĩa của sản phẩm cùng các các chứng nhận về tiêu chuẩn, an toàn sản phẩm, trách nhiệm với môi trường và xã hội sẽ thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp Bắc Âu.
Ngoài ra, việc tham gia tích cực vào các hoạt động mạng lưới và gặp gỡ trực tiếp với các đối tác tiềm năng cũng là yếu tố quan trọng để tạo dựng mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Xin cảm ơn bà!