Tham dự chương trình có đại diện đến từ 25 tỉnh, thành phố của Việt Nam, cùng các thành viên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong những năm qua, hợp tác chính trị và kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển rất tốt đẹp, bất chấp những diễn biến phức tạp trong quan hệ quốc tế và đình trệ kinh tế trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trưởng mạnh mẽ từ 5,6 tỷ USD năm 2014 lên 11,5 tỷ USD năm 2019. Hợp tác song phương trên các lĩnh vực đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa-giáo dục, du lịch, an ninh quốc phòng và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế ngày càng sâu sắc và hiệu quả.
Được biết, thông qua Hiệp định Thương mại ASEAN - Ấn Độ, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức thuế 0%, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong nỗ lực chung nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, các địa phương hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, sự có mặt của lãnh đạo và đại diện của hơn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam sẽ là cơ hội quý để các địa phương Việt Nam và đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ gặp gỡ, kết nối, hợp tác.
Ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu và khu vực rộng lớn hơn, Ấn Độ coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách hành động Hướng Đông và là đối tác chính trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác kinh tế và phát triển giữa hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi cả hai nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với xã hội trẻ trung và đầy khát vọng, vẫn còn một tiềm năng to lớn chưa được khai thác.
Việc mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam mang đến một bối cảnh hoàn hảo trong việc thúc đẩy trao đổi du lịch. Tăng cường du lịch có tác động không chỉ với giao lưu nhân dân, mà còn cho các mối quan hệ đầu tư và kinh doanh của hai bên. Với thế mạnh về các ngành như công nghệ thông tin, dược phẩm, kỹ thuật và công nghiệp năng lượng, những ngành được tin tưởng và những ngành chính được ưu tiên đầu tư tại Việt Nam, Đại sứ Ấn Độ mong rằng, hai bên sẽ có những trao đổi thực chất để cùng hợp tác, cùng có lợi.
Năm 2020 là thời điểm quan trọng, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. “Chính phủ hai nước kỳ vọng sẽ tăng cường hợp tác để đạt được những kết quả cụ thể, thực chất ở tất cả các cấp độ, đặc biệt là cấp địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ phát triển sâu rộng hơn nữa”, Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.
Ấn Độ và Việt Nam hiện đều là những nền kinh tế năng động, phát triển nhanh ở châu Á. Mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ có sự cải thiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong những năm qua. Việt Nam là thị trường tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường chính trị, kinh tế ổn định; chính sách đầu tư hấp dẫn, chi phí lao động cạnh tranh, nguồn nguyên liệu thô sẵn có và khả năng tiếp cận thị trường rộng mở do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết gần đây như CPTPP, EVFTA. Về phía Ấn Độ, mức tăng trưởng cao của nền kinh tế cho thấy có nhiều cơ hội phát triển song phương giữa hai nước trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, du lịch và hàng không.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng thỏa luận về hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực dược phẩm, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, thành phố thông minh, công nghệ thông tin, du lịch.