Thị trường nước mắm đang có sự cạnh tranh khốc liệt |
Hồi bé, được nghe một câu chuyện kể rằng, các bác thợ lặn mò ngọc trai ở Phú Quốc trước khi lặn trần xuống biển để chống lại cái lạnh đều thủ theo một chai nước mắm cốt. Tu vài ngụm nước mắm cốt, nóng ran cả người, thế là các bác yên tâm làm cái công việc lãng mạn nhưng không kém phần nguy hiểm.
Nếu như nước Pháp có rượu vang là “quốc hồn”, là "hộ chiếu ẩm thực" thì xứ Việt không còn nghi ngờ gì nữa là nước mắm. Chả thế mà mỗi năm người Việt Nam chi đến 11.000 - 12.000 tỷ đồng cho riêng cái khoản nước mắm.
Ông bạn đồng nghiệp Pháp sang Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn cuối tháng 2 vừa rồi viết cho tôi trên dòng tweet bày tỏ nỗi tiếc hùi hụi khi không đem theo được chai nước mắm thuần Việt. Tôi bảo: “Ông dừng chân ở Bangkok dăm hôm, bên đó thiếu gì nước mắm”. Ông này hồi đáp: “Ồ, no, no, thứ tôi cần vẫn là nước mắm thuần Việt trong các thùng gỗ kia”.
Những ngày này, câu chuyện về một dự thảo văn bản liên quan đến quy phạm thực hành sản xuất nước mắm cũng khiến dư luận “nóng ran”. Nóng là bởi nhiều người cho rằng nó dọn đường cho cái thứ nước mắm hiện đại (tạm gọi như thế) bày bán tràn lan tại các từ các siêu thị đến các chợ cóc, vốn chiếm đến 80% thị phần nước mắm , lấy nốt cái 20% còn lại của nước mắm sản xuất theo lối cổ truyền.
Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 2 năm có một cuộc “khủng hoảng nước mắm”. Cuộc khủng hoảng lần trước đòn vào nước mắm làm theo lối truyền thống do một công ty truyền thông khởi xướng cho rằng nước mắm làm theo lối truyền thống có chứa arsen gây nguy hiểm cho người dùng. "Đòn bẩn" này nhanh chóng bị phát hiện.
Lần khủng hoảng này, có vẻ cú tông với nước mắm sản xuất theo lối cổ truyền kín đáo hơn, thâm hậu hơn. Nhưng cái gót “asin” vẫn lộ ra để đến độ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phải lên tiếng phát biểu “lấy tiêu chuẩn nước mắm công nghiệp áp cả cho nước mắm truyền thống, các hộ sản xuất, doanh nghiệp ầm ầm gửi đơn lên, rất là khổ”.
Cái thứ nước mắm công nghiệp mà ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gọi lại cũng đi ra từ nước mắm truyền thống. Thay vì lối tồn tại “fair play” trên thị trường, nó gần như muốn nuốt chửng cái nước mắm mà nó đã khởi nguồn. Tình thế này khiến Chính phủ phải nêu rõ quan điểm là tiêu chuẩn gì thì tiêu chuẩn chứ không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Người Pháp có thói quen quy định rất rõ vang nào ra vang nấy, cho dù tất cả đều từ quả nho mà ra. Và họ cũng tuyệt đối không áp các thùng rượu nho phải sáng choang như thùng inox thay vì thùng gỗ. Trước năm 1954, các cơ quan thực phẩm và dịch tễ của Pháp tại Việt Nam cũng đã rất quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chuẩn cho nước mắm làm theo lối cổ truyền của Việt Nam.
Cho đến nay sau 6 năm được EU công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc, dường như trong nước chưa có động thái nào để tiếp tục ủng hộ sản xuất và kinh doanh nước mắm truyền thống. Cái thói quen của người Pháp với rượu vang rất đáng để các cơ quan chức năng nước ta suy ngẫm.
Và tôi bỗng nghĩ, không biết các bác thợ lặn mò ngọc trai ở Phú Quốc ngày xưa giờ có thể làm gì với chai nước mắm vỏ nhựa bày bán khắp nơi nơi với cái giá rẻ giật mình.!???